Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

Đón xuân Bình Thạnh

 • PHẠM ĐỨC CHÂU 

Quận Bình Thạnh, tinh gọn mười lăm phường; 

 Bước vào xuân vươn mình cùng đất nước. 

Mùa hội nhập tưng bừng thành phố Bác, 

 Họp mặt kết đoàn rạo rực con tim. 


Metro đi qua, rộng mở tầm nhìn, 

 Cầu vượt tới, thênh thang đường đổi mới.

 Nhà văn hóa, công viên vui kết nối; 

Cuộc sống này, chất lượng mãi nâng cao. 


Bình Thạnh ơi, càng tin tưởng tự hào

Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng sinh nhật Bác. 

Năm mươi năm chào đón ngày thống nhất. 

Chương trình bứt phá, dự án vươn tầm. 


Đô thị chỉnh trang theo rạch Xuyên Tâm; 

Nước sạch, gió lành, xanh lòng nhân ái. 

Thành phố nghĩa tình, văn minh, hiện đại.

 Hiện hữu trong ta khúc hát yên bình. 


Cả “không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, 

 Ý Đảng, lòng dân chung niềm ước vọng. 

Bình Thạnh quê mình thị thành đáng sống; 

Đón tết năm nay, xuân cả ngàn sau.

Bình Thạnh xuân sang

 • LÊ THANH SƠN

Xuân về Bình Thạnh quận ta 

Tự hào khởi sắc trên đà đổi thay 

Phố phường rực rỡ cờ bay 

Dòng kênh ngấn nước tháng ngày xanh trong 

Đi trên đường Phạm Văn Đồng 

Ngắm cầu Bình Lợi mà lòng vui ca 

Ai về Bình Quới, Thanh Đa 

Lăng Ông, Bà Chiểu đậm đà yêu thương 

Cầu vượt cao nối cung đường 

Hàng Xanh thông thoáng môi trường sạch ra 

Đèn đêm rực rỡ sắc hoa 

Thành phố dưới ánh trăng ngà lung linh 

Người vui cởi mở ân tình 

Tô thêm cảnh đẹp quận mình nên thơ 

Thực mà cứ ngỡ như mơ 

Công sở, trường học thắm cờ đỏ tươi 

Nhân dân phấn khởi yêu đời 

Mừng xuân, mừng Đảng rạng ngời nước non 

Tình dân, ý Đảng vẹn tròn 

Tầm cao đổi mới mốc son quận nhà 

Cải cách hành chính vươn xa 

Ban ngành đoàn thể hài hòa đi lên 

Phong trào sâu rộng vững bền

 Đẩy lùi nghèo đói xây nền vinh quang 

Bình Thạnh mừng đón xuân sang 

Đoàn kết, hội nhập, hành trang đổi đời

 Xây dựng thành phố đẹp tươi 

Góp phần tô điểm đất trời Việt Nam.

Bình Thạnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

 • THƯ TRÂM

Xác định công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động chỉ đạo điều hành. Thời gian qua, quận Bình Thạnh tập trung nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, nhờ vậy công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của quận phát triển.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả 

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của vấn đề này, thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, thành phố về chuyển đổi số, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số của quận. 

Tiếp tục triển khai phần mềm hệ thống ISO điện tử; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, phường thường xuyên cập nhật các quy trình mới theo quy trình nội bộ do Ủy ban nhân dân thành phố công bố; triển khai các hạng mục ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt vốn như: Số hóa kho lưu trữ tại Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh giai đoạn 1; nâng cấp hạ tầng mạng Ủy ban nhân dân 20 phường; triển khai dự án xây dựng trung tâm đô thị thông minh quận Bình Thạnh; triển khai “Bản đồ số quận Bình Thạnh” cập nhật các lớp dữ liệu trụ nước phòng cháy chữa cháy, điểm và vùng nguy cơ cháy lên nền tảng bản đồ số Thành phố Hồ Chí Minh. 

Song song đó, quận tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhất là ở phường, trong phục vụ người dân và tổ chức; mở rộng việc sử dụng trên nền tảng điện thoại thông minh. Hoàn thiện, kết nối liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành nội bộ để bảo đảm thông suốt trong việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong thực hiện công vụ. Mặt khác, triển khai các phần mềm tác nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức dễ dàng thao tác, tra cứu khi có yêu cầu; tiếp tục triển khai thực hiện phần mềm văn bản điện tử; cung cấp các tài khoản hộp thư điện tử cho các đơn vị, cá nhân để trao đổi và tiếp nhận các văn bản, thư mời họp; tiếp nhận, phát hành văn bản trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc.

Ủy ban nhân dân quận tập huấn hướng dẫn công tác chuyển đổi số,  bản đồ thể chế và các giải pháp khắc phục chỉ số chuyển đổi số DTI.
Ủy ban nhân dân quận tập huấn hướng dẫn công tác chuyển đổi số, bản đồ thể chế
và các giải pháp khắc phục chỉ số chuyển đổi số DTI. 

 Ngoài ra, quận tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác chuyển đổi số, bản đồ thể chế và triển khai các giải pháp khắc phục chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2024, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực bảo trợ xã hội, người có công, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo bền vững cho các phòng, ban, đơn vị thuộc quận và UBND 20 phường; cử nhân sự tham gia bồi dưỡng tập huấn về chuyển đổi số do thành phố tổ chức, nhằm quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về tính tất yếu khách quan và tính cấp thiết của chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển đổi nhận thức, hình thành tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước và nâng cao chất lượng cải cách hành chính trên địa bàn quận trong giai đoạn phát triển mới. 

Những chuyển biến tích cực

Bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của quận Bình Thạnh có những chuyển biến tích cực. Trước hết, đó là nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số ngày càng được nâng lên. Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm kế hoạch, mục tiêu đề ra; kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc nâng cao đạo đức công vụ được duy trì, nhất là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. 

Trong năm, đã hoàn thành 7/8 chỉ tiêu quận đặt ra theo từng lĩnh vực trong công tác cải cách hành chính; thực hiện 40/40 nhiệm vụ do UBND thành phố giao trong công tác cải cách hành chính. Thực hiện tiếp nhận 100% thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của quận, phường; tiếp nhận và giải quyết 329.682/329.682 hồ sơ các loại, đạt tỷ lệ 100%, trước hạn 324.267 hồ sơ, tỷ lệ 98,36%, đúng hạn 3.937 hồ sơ, tỷ lệ 1,19%; trễ hạn 1.458 hồ sơ, tỷ lệ 0,45% (hồ sơ trễ hạn do thao tác quy trình điện tử). Tại các Ủy ban nhân dân phường thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả đúng hạn hồ sơ đạt tỷ lệ 100%. 

Ủy ban nhân dân quận tổ chức tập huấn sử dụng chữ ký số điện tử cho các phòng, ban đơn vị  và UBND 20 phường.
Ủy ban nhân dân quận tổ chức tập huấn sử dụng chữ ký số điện tử cho các phòng, ban đơn vị và UBND 20 phường

 Hiện nay, tất cả các phòng, ban quận và Ủy ban nhân dân phường thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; 100% đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục, y tế ứng dụng thanh toán điện tử trong cung ứng dịch vụ; 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, trừ các văn bản có chứa bí mật nhà nước; 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị sử dụng chữ ký số trong thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện tử, giải quyết hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong trao đổi công việc theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. 

Về kết quả thực hiện số hóa: đã tiếp nhận và giải quyết 329.682 hồ sơ các loại; trong đó, 285.983 hồ sơ chứng thực (không thực hiện số hóa), số hóa 43.699/43.699, tỷ lệ 100%. Hiện nay quận Bình Thạnh đứng hạng 3/22 đơn vị trên Bản đồ thể chế thành phố. 

Hướng tới, quận Bình Thạnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; áp dụng chuyển đổi số trong các hoạt động, góp phần hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, chú trọng tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ, các bước thực hiện trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng trách nhiệm cá nhân; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ trong quá trình xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp lên Cổng dịch vụ công thành phố; tổ chức tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính trên cổng dịch vụ công thành phố; chú trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xử lý đảm bảo thời gian quy định. 

 Việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn quận chú trọng, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quận.

Thư viện quận đa dạng phương thức hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân

 • NGỌC HÀ

Trong thời đại ứng dụng công nghệ số mạnh mẽ như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Thư viện quận, giúp thay đổi phương thức phục vụ, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân trên địa bàn quận. 

Thư viện quận được tạo điều kiện cho phép sưu tầm, phục vụ hệ thống thông tin địa chí phong phú về nội dung và đa dạng về loại hình, là nguồn tài liệu cung cấp thông tin chính xác. Trong đó, nổi bật nhất là lịch sử hình thành và phát triển địa phương. Để đáp ứng nhu cầu thông tin trong giai đoạn mới, Thư viện quận đã đổi mới phương thức phục vụ, tạo điều kiện cho các bạn đọc không cần đến trực tiếp Thư viện vẫn khai thác được thông tin về địa phương. Thông qua cơ sở dữ liệu số thông tin địa chí quận góp phần cung cấp thông tin, liên kết các nguồn tài nguyên thông tin và mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin, chia sẻ nguồn lực thông tin và tổ chức phục vụ Nhân dân trên môi trường mạng Internet, là tiền đề phát triển thư viện số những năm tiếp theo. 

Từ năm 2022, Thư viện quận bắt đầu triển khai thực hiện Đề án số hóa tài liệu địa chí quận Bình Thạnh, xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn về Bản tin Gia Định, lịch sử truyền thống, kỷ yếu, tập san của quận, phòng ban, ban ngành đoàn thể, phường để phục vụ bạn đọc, giúp bạn đọc tiếp cận và truy cập sử dụng tài liệu địa chí theo phương thức mới, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghiệp 4.0 và chia sẻ với 21 thư viện quận, huyện khác và thư viện thành phố Thủ Đức, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, Thư viện quận đã xây dựng được các cơ sở dữ liệu: Bản tin Gia Định (xuất bản năm 2022, 2023, 2024); Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân quận Bình Thạnh ; Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân của các phường; Kỷ yếu các ban ngành đoàn thể quận; các ấn phẩm Bình Thạnh trong quá trình xây dựng và phát triển; ấn phẩm về gương điển hình tiên tiến; những tư liệu, tài liệu do Ban Tuyên giáo Quận ủy cung cấp. Trên cơ sở đó, phục vụ bạn đọc rộng rãi thông qua các cổng thông tin của thư viện quận và thư viện thành phố với các địa chỉ: https://phucvu.thuvientphcm.gov.vn/https://binhthanh.thuvientphcm.gov.vn/https://bantingiadinhbinhthanh.blogspot.com/

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện tiếp cận với  bộ sưu tập địa chí quận Bình Thạnh.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện tiếp cận với bộ sưu tập địa chí quận Bình Thạnh.

 Với trên 5.500 bài viết bao gồm các tin, bài viết, hình ảnh trong Bản tin Gia Định được số hóa và tổ chức ở dạng thư mục, thu hút hơn 70.000 lượt xem. Thư mục này tiếp tục được cập nhật và bổ sung vào ngày 15 và 30 hàng tháng với các chuyên trang về hoạt động đảng và chính quyền, văn hóa và giáo dục, pháp luật và đời sống, mặt trận tổ quốc và các hội đoàn, kinh tế và xã hội, quốc phòng và an ninh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các gương điển hình của quận, phường… là những sản phẩm thông tin phục vụ kịp thời và hữu ích cho bạn đọc muốn biết những hoạt động của quận Bình Thạnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện biên mục, số hóa lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân quận Bình Thạnh, lịch sử truyền thống của Đảng bộ và Nhân dân của 15 phường (Phường 1, 2, 2, 3, 5, 6, 7, 14, 15, 17, 19, 21, 24, 26, 27, 28) trên tổng số 20 phường với hơn 3.900 trang, nhằm cung cấp một nguồn thông tin đáng kể và hữu ích cho những ai quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của quận Bình Thạnh, vùng đất Gia Định xưa.

 Nhận xét về hoạt động của Thư viện quận Bình Thạnh năm qua, ông Vĩnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số để xây dựng bộ sưu tập số về tài liệu địa phương là cơ hội để các thư viện quận huyện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin, phục vụ nhu cầu thông tin cho cộng đồng. Thư viện quận Bình Thạnh đã thực hiện sưu tầm, bổ sung tài liệu địa chí được chú trọng cả về số lượng và chất lượng, thực hiện việc số hóa xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung nhằm phân phối, chia sẻ, liên thông với 21 thư viện quận huyện và thành phố Thủ Đức. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Thư viện Bình Thạnh cung cấp, quảng bá tài nguyên số đến đông đảo người dân, nhằm khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.

Bạn đọc tiếp cận với bộ sưu tập địa chí quận Bình Thạnh  tại Thư viện quận.
Bạn đọc tiếp cận với bộ sưu tập địa chí quận Bình Thạnh  tại Thư viện quận.

Còn cô Lê Hoàng Phương Uyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện cho biết: Từ khi được nhân viên thư viện quận chia sẻ, hướng dẫn quét mã QR về tài liệu địa chí và Bản tin Gia Định tôi thấy có rất nhiều thông tin bổ ích về quận, giáo viên có thêm tư liệu phục vụ công tác giảng dạy, các em học sinh có thêm những kiến thức hữu ích về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để xây dựng quê hương… góp phần quan trọng vào nhiệm vụ truyền bá tri thức của dân tộc và nhân loại, phát triển văn hóa đọc, tạo dựng môi trường học tập suốt đời trên địa bàn quận.

 Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Hồng chia sẻ: Trước đây, khi cần tra cứu thông tin, tôi phải đi từ nhà đến thư viện, nhiều lúc cần gấp vào ban đêm thì phải đợi đến hôm sau mới hoàn thiện được đề tài của mình. Hiện nay, tôi có thể tra cứu, yêu cầu mượn sách, gia hạn sách trên website của Thư viện quận một cách dễ dàng

Trang Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM giới thiệu cơ sở dữ liệu  Bản tin Gia Định và những tài liệu lịch sử trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Trang Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM giới thiệu cơ sở dữ liệu Bản tin Gia Định
và những tài liệu lịch sử trên địa bàn quận Bình Thạnh. 

 Đây là một phần trong những chuyển động của Thư viện quận đáp ứng nhu cầu của bạn đọc hiện nay. Nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân, độc giả trong và ngoài quận biết về hoạt động của mình, thư viện đã thực hiện truyền thông đa phương tiện thông qua các ứng dụng của mạng xã hội như Facebook, Fanpage, YouTube, Instagram, Zalo… 

Việc số hóa các tài liệu địa phương mang lại hiệu quả rất lớn trong tiết kiệm kinh phí in ấn tài liệu, hạn chế việc hư hỏng do thời gian và giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu đa dạng và phong phú hơn đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho người dân trên địa bàn quận, truy cập thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng địa phương, đất nước giàu mạnh trong mỗi người dân Bình Thạnh.

Những kết quả tích cực trong xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn quận

• PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN

Gia đình là tổ ấm thiêng liêng của mỗi người, vừa là tế bào của xã hội, là cái nôi giáo dục, lưu truyền các giá trị văn hóa của dân tộc. Trong tâm thức của mỗi người, gia đình chính là trường học đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, nơi gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. 

Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở quận Bình Thạnh có những bước phát triển mới, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư, trở thành một phong trào thi đua sôi nổi, phát triển mạnh mẽ, rộng khắp từ quận đến phường. Chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực đạo đức trong đời sống hiện đại. Tỷ lệ gia đình đăng ký và đạt tiêu chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Năm 2024, có 72.551 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Qua bình xét, có 71.774 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa chiếm 98,89% so với tổng số gia đình. 

Lãnh đạo quận chúc mừng các gia đình văn hóa tiêu biểu cấp quận.
Lãnh đạo quận chúc mừng các gia đình văn hóa tiêu biểu cấp quận. 

Để gia đình thực sự là tế bào vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người. Thời gian qua, quận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua các hoạt động như: tổ chức thi viết và thuyết trình chủ đề “Gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”; đánh giá sự hài lòng hạnh phúc thông qua Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3; Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Tháng hành động Vì trẻ em...; khen thưởng, tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu.

 Trong đó, có những gia đình văn hóa tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà, 50 tuổi, cư trú tại số 7 Ngô Nhơn Tịnh, Phường 1. Chị Hà là Trưởng Khu phố 7 với rất nhiều việc không tên của cộng đồng, tuy nhiên chị vẫn chu toàn việc nhà. Khi nhắc về chị, bà Lương Y, mẹ chồng của chị chia sẻ: con dâu tôi là người biết vun vén chu toàn cho gia đình, bố trí hợp lý thời gian cho gia đình và công việc. Tôi còn một cô con gái gần 50 tuổi sống chung, hàng xóm ái ngại vì sợ cảnh chị dâu em chồng, nhưng nhìn cách đối xử của con dâu tôi thì người ta cứ nghĩ tôi là một bà ngoại đang sống cùng các con gái.

 Chị Hà chia sẻ: Gia đình tôi có một quy định chung là dù bận rộn, thì tất cả các thành viên trong gia đình đều cố gắng ăn tối cùng nhau, tạo ra không khí gia đình ấm cúng và gắn kết các thành viên trong gia đình… Chồng tôi kinh doanh tự do, giờ giấc không được ổn định, những khi công việc bận rộn tôi luôn được mẹ chồng và chị chồng giúp đỡ trong việc chăm sóc, đưa đón các con đi học. Có thể nói chính môi trường giáo dục gia đình góp phần lớn hình thành và phát triển nhân cách con người. Nhờ luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ và các thành viên trong gia đình nên các con của chị Hà luôn cố gắng học tập chăm ngoan, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. 

Bên cạnh đó, chị Hà còn vận động gia đình, lối xóm thực hiện tốt các chuẩn mực xây dựng gia đình văn hóa tại phường, xây dựng phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Trong cuộc sống thường ngày, chị Hà luôn hoàn thành tốt vai trò của một người vợ, người mẹ, gương mẫu trong gia đình cũng như trong cộng đồng dân cư. Gia đình chị Hà luôn được mọi người quý mến, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Nga (38 tuổi), ngụ tại 42/36/10 Hoàng Hoa Thám, Phường 7, kinh doanh tự do. Chị chia sẻ, gia đình tôi có 4 thành viên, gồm mẹ chồng, chồng và con trai, với tôi gia đình luôn là điều quan trọng nhất. Mỗi thành viên trong gia đình luôn biết lắng nghe, chia sẻ, giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Ngày tôi mới sinh con, mẹ chồng là người tận tình chăm sóc tôi và cháu. Trong thời gian ở cữ tháng đầu tiên, mẹ tôi tự tay làm mọi việc, không cho con dâu đụng tay vào nước, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính lúc đó, tôi cảm thấy mình rất may mắn và luôn nghĩ phải cố gắng làm vui lòng mẹ để đền đáp công ơn của mẹ. 

Dù công việc kinh doanh bận rộn, nhưng hằng ngày chị đều tự mình vào bếp chuẩn bị bữa ăn sáng và bữa ăn tối cho gia đình, tận dụng những thời gian sinh hoạt cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, lắng nghe và động viên nhau bên chiếc bàn ăn ấm cúng. Gia đình chị thường chia sẻ những dự định trong công việc cho mẹ nghe, đồng thời tham khảo ý kiến của bà trong việc kinh doanh. Chồng tôi là người hài hước, nên mỗi câu chuyện của anh đều làm cho cả nhà cười rôm rả. Tranh thủ khi mẹ còn khỏe, vào những dịp lễ, Tết gia đình tôi cùng nhau đi du lịch để gắn kết các thành viên với nhau, đồng thời tạo cho con một ký ức vui vẻ của tuổi thơ bên gia đình. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà. 

Mỗi thành viên trong gia đình luôn có ý thức giữ gìn không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Bên cạnh đó, các thành viên đều tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Gia đình chị Nga được lối xóm khen ngợi vì gia đình luôn hạnh phúc, hòa thuận, gương mẫu và có cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi, nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 

Qua việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã tác động thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua tại địa phương như: giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững, khuyến học khuyến tài, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động từ thiện nhân đạo, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao… Đồng thời phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn quận đã phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, chất lượng được nâng cao, góp phần xây dựng con người TPHCM nói chung, quận Bình Thạnh nói riêng trở nên văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nga
Gia đình chị Nguyễn Thị Nga

DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA LĂNG LÊ VĂN DUYỆT - Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua lễ hội Khai hạ - Cầu an

Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt thực hiện nghi thức hạ nêu.
Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt thực hiện nghi thức hạ nêu.

 • ANH HOÀNG - HỒNG VÂN

Lễ hội là loại hình di sản văn hóa phi vật thể phản ánh rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trong đó hầu hết các lễ hội còn lưu giữ những phong tục, tập quán đặc trưng của từng vùng, miền. Việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại mang ý nghĩa quan trọng, bởi đó là cách làm đúng đắn để bảo vệ mạch nguồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế

Tại quận Bình Thạnh lễ Khai hạ - Cầu an là lễ hội mang nét văn hóa có tính đặc trưng riêng của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Trong ngày 30 tháng Chạp hàng năm, Ban quý tế lăng Lê Văn Duyệt tiến hành nghi thức xin phép Đức Thượng Công Tả Quân để tổ chức lễ thượng kỳ, trên lá cờ lễ có thêu 5 chữ “Gia Định Thành Tổng Trấn” được trang trọng kéo lên và tiến hành lễ dựng nêu là báo hiệu cho một mùa lễ hội sắp diễn ra. Dựng nêu để xua đuổi đi những điều xấu, điều không may trong năm cũ, đem lại sự bình an cho năm mới; nó là phong tục lâu đời thường được thực hiện ở các làng quê Việt Nam là tín hiệu báo hiệu Tết đến xuân về. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có lẽ hình ảnh cây nêu chỉ thấy xuất hiện ở lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt từ ngày 30 tháng Chạp đến sáng ngày mùng 7 tháng Giêng; trên ngọn cây nêu được treo các cặp liễn bằng vải đỏ với các câu chúc những điều tốt đẹp, cầu mong cho một năm mới thắng lợi.

Lãnh đạo thành phố, quận dâng hương  tại mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Lãnh đạo thành phố, quận dâng hương tại mộ Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt. 

Đêm 30 tại đây còn tổ chức lễ đón giao thừa, hái lộc đầu xuân, sau phút giao thừa, mọi người du xuân cầu cúng, xin lộc lấy may về nhà. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày làm lễ hạ nêu và cũng là ngày các công sở mở cửa hoạt động lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngày mùng 7 còn gọi là lễ Khai hạ - Cầu an được tổ chức hàng năm tại lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt. Lễ được thực hiện theo nghi thức Tiểu cung đình triều Nguyễn với những nghi lễ hạ nêu, khai bút - khai ấn, tế tiền hiền, hậu hiền, mời trầu, mời rượu, tặng khen lộc, xây chầu - đại bội. Các hoạt động này hàng năm đều được Ban quản lý, Ban quý tế di tích lăng Lê Văn Duyệt tổ chức rất trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo thành phố, quận, các ban ngành đoàn thể cùng Nhân dân đến tham quan chiêm bái. Qua đó, cầu mong một năm mới với nhiều thắng lợi mới, hạnh phúc đến mọi người, mọi nhà. Đây là phong tục, nghi lễ độc đáo và là nét văn hóa đặc trưng riêng tại di tích lăng. Đây còn là dịp để ghi nhớ thời gian làm Tổng trấn Gia Định thành của Tả Quân Lê Văn Duyệt minh chứng rõ nét cho một giai đoạn cường thịnh và trù phú của vùng đất phía Nam, ngoài các công trình dân sinh quan trọng như việc đào kênh Vĩnh Tế ông còn tạo dựng một môi trường làm ăn buôn bán thông thoáng cởi mở, thu hút được nhiều quốc gia đến làm ăn buôn bán và đóng thuế xây dựng Gia Định thành ngày càng phát triển.

Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy  thực hiện nghi thức khai bút đầu năm.
Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy thực hiện nghi thức khai bút đầu năm.

 Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lăng Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 4/2022. Đây là hoạt động tín ngưỡng theo nghi thức truyền thống được duy trì tổ chức hàng năm với ý nghĩa cầu sự tốt lành cho một năm mới, kết thúc cuộc vui xuân tạ ơn trời đất, tổ tiên để trở lại công việc hàng ngày. Hằng năm, lễ hội đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, học tập, chiêm bái; đặc biệt hơn lễ hội này vẫn luôn được Nhân dân quan tâm, gìn giữ, trao truyền và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Ngoài lễ hội, tại đây còn tổ chức khai chầu đại bội phục vụ du khách đến tham quan thưởng ngoạn. Hoạt động này mang ý nghĩa cầu an, tôn kính trời đất để mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Nhân dân được yên ổn làm ăn.

Năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM, Phòng Văn hóa và Thông tin quận, Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt tổ chức 24 buổi công diễn miễn phí tại lăng các tuồng: Ngọc quỳnh lân xuất thế, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San hậu, Ngũ sắc châu và Đức Thượng công Lê Văn Duyệt… để giữ gìn và phát huy truyền thống nghệ thuật hát bội của dân tộc. Ngoài ra, Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt còn phối hợp với Nhà hát kịch IDECAF tổ chức biểu diễn vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” của đạo diễn Hoàng Duẩn tại Nhà hát Thanh niên. Nội dung câu chuyện xoáy vào giai đoạn lịch sử năm 1820, Tả Quân Lê Văn Duyệt được vua Minh Mạng cử vào Gia Định làm Tổng trấn lần thứ 2. Bằng sự nghiêm minh, liêm khiết và tài năng thu phục lòng người, cùng với sự khảng khái của bậc công thần, không sợ uy quyền của cấp trên, một lòng một dạ chăm lo đời sống người dân, vì lợi ích người dân. Vở kịch tái hiện một phần cuộc đời của nhân vật được người dân gọi bằng tên cung kính “Đức Thượng Công”. Tác phẩm lấy bối cảnh khi Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định thành thời vua Minh Mạng. Ông có khát vọng biến vùng đất mới thành nơi trù phú, an vui, dân chúng ấm no và hạnh phúc.

Một cảnh trong vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt  - Người mang 9 án tử”.
Một cảnh trong vở kịch “Đức thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử”. 

 Ông Lê Văn Ngọc, Trưởng Ban quản lý lăng Lê Văn Duyệt cho biết: tại di tích lăng Lê Văn Duyệt hằng ngày đều mở cửa để các cơ quan, đơn vị và Nhân dân đến chiêm bái tham quan học tập. Bên cạnh đó, còn tổ chức cúng các ngày lễ truyền thống để duy trì tín ngưỡng dân gian. 

Có thể nói, việc bảo tồn, duy trì phát triển những giá trị, nét đẹp văn hóa mà lễ hội mang lại là truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, góp phần bồi đắp cho con người lòng nhân ái, biết yêu thương nhau, trọng hiếu nghĩa, bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, là cốt lõi về giá trị đạo đức hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Vì vậy, chúng ta phải xem các lễ hội như một kho tàng di sản văn hóa quý giá đối với mỗi người dân. Đến với lễ hội bằng tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có trong lễ hội cần được gìn giữ và phát huy.

Người thầy với lớp học hạnh phúc

 • MINH HOÀNG

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui đó là một trong những tiêu chí quan trọng mà ngành giáo dục quận Bình Thạnh muốn hướng đến. Nơi đó thầy cô, phụ huynh và học sinh có thể chia sẻ, yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu nhau và đặc biệt là cảm thấy hạnh phúc. 

Trong đó, vai trò của người giáo viên không chỉ là một người giảng dạy, giúp học sinh hiểu bài, đạt điểm cao mà còn là những người truyền cảm hứng về tinh thần ham học hỏi, khuyến khích học sinh phát huy tư duy sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm, giúp các em ứng dụng những kiến thức lý thuyết trên sách vở vào cuộc sống hằng ngày. 

Đó cũng chính là phương pháp dạy học của thầy Trần Hoàng Hải, giáo viên Chủ nhiệm lớp 4, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn. Trong quá trình giảng dạy, thầy luôn chủ động tổ chức đa dạng các môn học và tạo ra môi trường lành mạnh, vui tươi và đem đến cho học sinh không khí như một gia đình. Thực hiện tích hợp STEM vào bài học kết hợp lớp học mở với sự tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh khối 4. Song song đó, thầy ứng dụng hiệu quả phần mềm eNet Viet, Google Classroom, Class Dojo để tạo ra các trò chơi vào dịp cuối tuần nhằm gắn kết phụ huynh và học sinh cùng ôn lại kiến thức đã học.

Thầy Trần Hoàng Hải trong giờ dạy môn toán.
Thầy Trần Hoàng Hải trong giờ dạy môn toán. 

 Thực tế cho thấy lợi ích của ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy - học tạo nên những bài giảng sáng tạo, khích lệ sự tò mò và tham gia tích cực của học sinh, thúc đẩy kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng học tập cho học sinh, tạo ra môi trường giáo dục mang tính tương tác cao.

 Thầy Hoàng Hải chia sẻ: tôi không đặt nặng thành tích học tập của học sinh, mà luôn mong muốn tạo ra cho các em có môi trường thoải mái, tự tin nhất để các em phát huy thế mạnh của bản thân, chủ động tích cực tham gia vào hoạt động học tập và phong trào của trường, lớp. Từ đó giúp các em yêu thích và phát huy tính chủ động, sáng tạo để nâng cao giá trị của bản thân, cùng tập thể gắn kết và phát triển.

 Bên cạnh đó, thầy còn đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến với lớp học, thông qua các chủ đề hành trình đi tìm đường cứu nước và quá trình hoạt động cách mạng của Bác, nhằm lan tỏa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thường xuyên tổ chức cho học sinh xem các câu chuyện trên các trang web quà tặng cuộc sống hay các video tình huống trên kênh Youtube. Qua đó, hướng dẫn các em các kỹ năng cần thiết, tạo môi trường lành mạnh, vui tươi cho các em. 

Thầy Trần Hoàng Hải cùng học sinh đọc sách ở góc học tập  Hồ Chí Minh tại lớp.
Thầy Trần Hoàng Hải cùng học sinh đọc sách ở góc học tập Hồ Chí Minh tại lớp.

 Cứ mỗi cuối tuần, thầy Hải tổ chức khen thưởng, biểu dương các bạn có thành tích học tập tốt và rèn luyện tốt, giúp đỡ bạn học cùng tiến bộ. Qua đó, tặng những món quà đáng yêu để khích lệ tinh thần của các em. Thầy xây dựng lớp học thành 4 nhóm thay phiên nhau trở thành ban cán sự lớp. Với cách làm này các em đều được giao nhiệm vụ và có ý thức trách nhiệm hơn. Ngoài ra, thầy còn lập ra Ban Hạnh phúc để cùng giáo viên động viên, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong lớp. Phân công các thành viên cùng nhau sắm vai tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, giao lưu… tạo ra một không khí lớp học vui tươi, hạnh phúc. 

Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, thầy Hải luôn có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác chuyển đổi số; xây dựng và lan tỏa mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong lớp học; hỗ trợ học bổng tiếp sức cho học sinh khó khăn đến trường… 

Nhận xét về thầy Trần Hoàng Hải, cô Võ Thị Thu Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết: thầy Hải là một giáo viên trẻ luôn thân thiện, hòa đồng và giúp đỡ mọi người. Có nhiều sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy tạo động lực, hứng thú cho học sinh, giúp các em học sinh tự tin và học tập đạt nhiều kết quả tốt. Bên cạnh đó, với vai trò là Bí thư Chi đoàn thầy Hải luôn đi đầu trong các hoạt động, năng động và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tham gia nhiều hội thi và đạt kết quả cao. 

Từ những nỗ lực trong công tác, nhiều năm liền thầy Hải đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học 2020 - 2021 đến nay; năm học 2023 - 2024 nhận Bằng khen UBND Thành phố; cũng trong năm học 2023 - 2024 thầy đạt các danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, Nhà Giáo trẻ tiêu biểu cấp quận, Giấy khen UBND quận về công tác Đoàn, Giấy khen của Liên đoàn Lao động quận trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, giải nhất cuộc thi Nét đẹp phấn trắng năm 2024…

 Thầy Trần Anh Kiệt, QUV, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận chia sẻ: những phần thưởng cao quý nhất của nhà giáo chính là những tình cảm trân trọng, yêu quý, nét mặt hạnh phúc của các thế hệ học sinh khi đến trường; cùng sự tự tin, mạnh dạn và trưởng thành của các em để viết tiếp ước mơ của cuộc đời mình. Đó chính là sứ mệnh cao cả của “Người lái đò” trong hành trình kiến tạo nên một lớp học hạnh phúc và là tiền đề để xây dựng “Trường học hạnh phúc” lan tỏa yêu thương.

Bài viết nổi bật

Phấn đấu năm 2024 Bình Thạnh không còn hộ nghèo

 • NGUYỄN HIẾU Đồng hành cùng với Thành phố thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; nhiều...

Bài viết phổ biến