Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Như Bác mong

LÊ THANH SƠN

Xuân về ấm áp khắp non sông,

Tươi sáng bừng lên rực ánh hồng.

Tân Sửu đi qua nhiều thắng lợi,

Nhâm Dần lại đến ắt thành công.

Tình dân với Đảng thêm bền chặt,

Nghĩa Đảng vì dân thật mặn nồng.

Đại hội XIII (*) … luồng ánh sáng,

Việt Nam cường thịnh như Bác mong…

 

(*) Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII


Xây dựng Đảng ta thật sự vững mạnh, là đạo đức, là văn minh

HOÀI NGUYỄN

KỶ NIỆM 92 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2022)

 Cách đây hơn 60 năm, trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói:

                   Đảng ta là đạo đức, là văn minh

                   Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no.

Hai câu nói ấy đã khái quát bản chất và mục tiêu phấn đấu lâu dài của Đảng.

Đạo đức và văn minh phải luôn đi liền kề với nhau, góp phần tôn tạo cho nhau để Đảng ta mãi trường tồn. Một chính đảng có “đạo đức” mà cổ hủ, lạc hậu, không giúp cho Nhân dân được ấm no thì sẽ không thể là một chính đảng tiến bộ.

Ngược lại, một đảng chỉ chú trọng “văn minh”, chú trọng những tiến bộ vật chất để hưởng thụ, xa hoa mà kém về đạo đức, xa rời những tiêu chuẩn đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc thì sớm muộn sẽ bị đào thải.

Đây là quan điểm hết sức sâu sắc, tinh tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, khái quát, vừa phản ánh mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vừa thể hiện những phẩm chất cao đẹp của một đảng kiểu mới - Đảng của giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của Nhân dân và toàn dân tộc.

Đảng là đạo đức” bởi Đảng ta trọn vẹn tấm lòng thủy chung vì dân tộc, vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân mà chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh; biết gắn bó với lợi ích quốc gia - dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước. Tâm niệm sâu sắc đó thể hiện tình sâu nghĩa nặng và ý chí phấn đấu suốt đời vì hạnh phúc của Nhân dân, đúng như sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hễ còn một người dân Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân”[[1]].


 Đảng là văn minh” bởi Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, là lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam, là lý tưởng hướng tới những giá trị tốt đẹp của một xã hội tiến bộ, hiện đại và không ngừng vươn lên. Trong mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng luôn chú trọng xây dựng, chỉnh đốn, kiên quyết, kiên trì đấu tranh để đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân… trong từng đảng viên, nhất là các đảng viên giữ vai trò lãnh đạo, vì thanh danh, sự trong sáng và sự sinh tồn của Đảng. Hiện nay, Đảng thực hiện “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” nhằm “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” là yêu cầu tất yếu khách quan mang tính quy luật sống còn, một nhiệm vụ đặc biệt hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, sự tồn vong của Đảng, của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù làm bất cứ việc gì, ở đâu cũng cần phấn đấu thực hiện tốt lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Đó là phương cách tốt nhất để Đảng ta luôn là đạo đức, là văn minh; luôn sống trong lòng dân tộc Việt Nam.



[1] Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng ngày 05/01/1960.

Bác Hồ với Tết trồng cây

ĐỖ VĂN THÔNG (th)

 “Tết trồng cây” là công việc mà Bác Hồ đã phát động cho toàn dân ta từ tháng 11/1959. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy ở đó những ý nghĩa sâu xa bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của dân tộc cũng như những ý tưởng đi trước thời đại trong việc giữ gìn môi trường thiên nhiên.

Phát động trồng cây chào mừng 45 năm thành lập quận.
Phát động trồng cây chào mừng 45 năm thành lập quận.

Dưới đây là câu chuyện của một cán bộ phòng tuyên truyền của Tổng cục Lâm nghiệp kể về Bác Hồ và “Tết trồng cây” những năm 60 của thế kỷ trước:

Năm 1969, không ai ngờ đó là năm cuối cùng Bác Hồ đi trồng cây ở xã Vật Lại (Hà Tây cũ). Nhưng từ khi Bác mất đến nay, hầu như tất cả các địa phương năm nào cũng vẫn tiếp tục mở hội trồng cây. Những năm Bác Hồ còn sống, Người đều có bài viết về Tết trồng cây để duy trì và động viên phong trào. Tôi là người được ông Nguyễn Tạo - Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cử đi đưa công văn lên Văn phòng Phủ Chủ tịch. Công văn báo cáo việc trồng cây của các tỉnh và kế hoạch phát động “Tết trồng cây” của cả nước, đồng thời đề xuất bố trí địa điểm để Bác chọn và đến địa phương trồng cây.

Năm ấy, sau khi đọc xong báo cáo của các tỉnh, Bác Hồ đề nghị ông Nguyễn Tạo mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cùng đến Phủ Chủ tịch để báo cáo thêm những vấn đề chung quanh về “Tết trồng cây”. Thấy đồng chí Bí thư xách chiếc cặp to, Bác hỏi luôn: “Cặp của chú đựng gì mà to thế?”. Đồng chí Bí thư bị hỏi bất ngờ nên hơi lúng túng, rồi cũng trả lời: “Dạ thưa Bác, cháu mang đủ tài liệu của tỉnh để báo cáo Bác”. Bác lại bảo:

- Hôm nay Bác không hỏi chú nhiều, mà chỉ hỏi một việc về Tết trồng cây của tỉnh chuẩn bị và đã thực hiện như thế nào?.

Nghe đến đây, đồng chí Bí thư phấn khởi, thở phào nhẹ nhõm, liền báo cáo Bác:

- Thưa Bác, năm nay Nghệ An đã phát động “Tết trồng cây” sớm, hiện đã trồng được một triệu bảy nghìn sáu trăm tám mươi cây, và sau cấy, chúng cháu sẽ trồng tiếp mười lăm nghìn cây nữa ạ!

Nghe xong, Bác khen:

- Tỉnh Nghệ An quê Bác trồng cây như thế là tốt, nhưng Bác muốn hỏi, Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có biết bao nhiêu cây chết không? Chú có cho đếm được không? Câu hỏi rất thiết thực và cụ thể nhưng cũng hóc búa! Đồng chí Bí thư không trả lời được, lúng ta lúng túng. Bác Hồ bèn nói luôn:

- Nghệ An cũng là quê Bác, các chú làm không tốt thì Bác vui sao được, các chú chỉ nghĩ đến thành tích mà không nghĩ đến hậu quả, thế cũng là chưa thật thà với Nhân dân, trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, phải biết chăm sóc cây, không để lãng phí công sức và của cải vật chất! Vậy “Tết trồng cây” năm nay Nghệ An phải làm tốt hơn nữa để Bác vui.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận thấy có lỗi với Bác Hồ nên ông xin hứa thực hiện thật tốt lời dặn dò vừa thân tình vừa như phê bình nhẹ nhàng của Bác. Quay về phía đồng chí Nguyễn Tạo, Bác Hồ lại nói:

- Chú Tạo phát động báo chí viết bài chú ý đến việc trồng cây nào sống tốt cây ấy. Mấy ngày sau, trên báo Nhân Dân đã có bài “Trồng cây nào sống tốt cây ấy” của Bác. Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, một tuần sau, các báo đều đồng loạt có bài viết về “Tết trồng cây”, phát động phong trào “Ông trồng cháu chăm”, rồi hàng loạt tranh cổ động in ra với câu ca: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Vâng lời Bác dạy ta gây nên rừng...”. Lúc đầu “Tết trồng cây” còn là phong trào quần chúng, chưa có quy hoạch cụ thể, vì thế chất lượng cây trồng chưa cao, từng vùng chưa chọn giống cây phù hợp. Sau này khi đi kiểm tra, đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy nhiều vùng đồi cây ít được chăm sóc, đồng chí đã đề xuất: Thà có một cánh rừng của Nhân dân còn hơn để đồi trọc của Nhà nước. Và cũng chính nhờ ý kiến ấy mà một số chính sách của Nhà nước đã dần dần phù hợp với đời sống, nguyện vọng của Nhân dân. Việc giao đất, giao rừng cho gia đình và tập thể hoặc cá nhân đã được thực hiện. Hầu như các đồi trọc giờ đây đã “Xanh rừng, xanh núi, xanh mây/ Xanh trời, xanh đất, xanh cây đồng làng” và đời sống kinh tế nhiều gia đình nông dân đã được cải thiện, thậm chí còn trở thành triệu phú.

*

*        *

Câu chuyện ấy tuy đã hơn nửa thế kỷ nhưng cứ mỗi mùa Xuân sang, đón Tết cổ truyền dân tộc, mỗi người Việt Nam chúng ta luôn nhớ lời kêu gọi “Tết trồng cây của Bác Hồ:

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”

  MỸ DUNG

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, quận Bình Thạnh xác định cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo bước đột phá, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Qua đó, tạo môi trường thông thoáng, là điểm đến tin cậy để các tổ chức, các nhà đầu tư triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Nhận thức cải cách hành chính (CCHC) là vấn đề then chốt nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ đầu năm 2021, UBND quận kịp thời ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính với chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Với sự vào cuộc quyết liệt và linh hoạt, quận đã thực hiện đạt và vượt 7 chỉ tiêu, 61 nhiệm vụ đề ra theo từng lĩnh vực trong cải cách hành chính. Cụ thể: tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính từng loại đúng hạn đạt 99,9% (chỉ tiêu 99% trở lên); hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (lần đầu), giải quyết đúng hạn đạt 99,93% (chỉ tiêu 96% trở lên); giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đúng hạn đạt 94,55% (chỉ tiêu 90%); giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị đúng hạn đạt 97,19% (chỉ tiêu 80%). Về tỷ lệ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên từng lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) đạt 99% (chỉ tiêu 95% trở lên); Tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết (tính theo thủ tục hành chính được đưa vào trực tuyến) với chỉ tiêu đưa ra là 48,5% và đạt tỷ lệ 52,16%; Tăng 5 thủ tục hành chính mức độ 4 thuộc lĩnh vực Lao động, tổng số TTHC đủ điều kiện được đưa vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 60 thủ tục, đạt tỷ lệ tăng 5% theo chỉ tiêu đề ra.

Đồng thời, Quận tập trung triển khai thực hiện 100% văn bản, tài liệu giải quyết công việc trao đổi giữa các cơ quan hành chính dưới dạng điện tử; tất cả cán bộ, công chức, lãnh đạo sử dụng thường xuyên hệ thống thư điện tử công vụ trong công việc. Hiện nay, Quận đang tiến hành tích hợp thanh toán điện tử vào hệ thống quản lý hồ sơ ISO đối với cơ quan hành chính. Đặc biệt, đã có 100% đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử. Đi với các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đều được ghi nhận, xử lý và phản hồi đầy đủ. Thực hiện công khai 100% kết quả giải quyết trên Cổng thông tin điện tử và đã xây dựng được chuyên mục tuyên truyền về CCHC trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh.

Song song đó, UBND quận cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức Tháng cao điểm thực hiện chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” diễn ra từ ngày 01 đến 30/11/2021. Trong thời gian này có nhiều nội dung được tập trung thực hiện như: Tuần lễ “Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong ngày” đối với thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc (theo quy định là 3 ngày làm việc) với kết quả thực hiện được 16 trường hợp. Tăng thời gian làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ 17g00 đến 18g00 các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu (trong thời gian diễn ra tháng cao điểm). Qua đó, đã tiếp nhận trên 115 lượt hồ sơ trong tổng số 928 hồ sơ nhận trong tháng. Kết quả có 116/116 hồ sơ được giải quyết đúng hạn, đạt t lệ 100%. Bên cạnh đó, còn triển khai lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, giúp người dân có thể giải trí hoặc tạo sự thuận tiện tra cứu thông tin liên quan trong thời gian chờ đến lượt. Qua các nội dung của tháng cao điểm và các giải pháp cải cách mang tính chất căn bản, lâu dài, người dân và doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn với các dịch vụ hành chính công trực tuyến một cách đơn giản, thuận tiện.

Ủy ban nhân dân quận khen thưởng các tập thể thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Ủy ban nhân dân quận khen thưởng các tập thể thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

Ngoài ra, hầu hết các phòng, ban cũng đều đăng ký, thực hiện các mô hình, giải pháp về cải cách hành chính nhằm nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân. Điển hình là: Phòng Tư pháp với “Quy trình kết hợp thủ tục cấp bản sao trích lục hộ tịch và thủ tục cải chính”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân; Phòng Quản lý Đô thị với mô hình“Gắn mã QR code trên giấy phép đào đường, giấy phép sử dụng vỉa hè, cung cấp thông tin quy hoạch và chứng nhận số nhà” trên phần mềm ISO điện tử; Cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng” từ 9 ngày xuống còn 5 ngày làm việc; Phòng Tài nguyên và Môi trường đề xuất lãnh đạo quận phê duyệt quy trình đăng ký “Kế hoạch bảo vệ môi trường” rút ngắn thời hạn giải quyết từ 10 ngày còn 9 ngày.

Chủ trương đẩy mạnh CCHC không chỉ nhằm hoàn thiện nền hành chính, mà còn tạo động lực đổi mới, phát triển nền kinh tế - xã hội của quận. Với nhận thức và kết quả vừa nêu đã góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của quận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng các thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh. Qua đó, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp luôn đánh giá mức độ hài lòng rất cao về sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước của quận.

*  *  *

*

Một mùa Xuân mới đang về, mang theo hơi thở ấm áp và đong đầy những ước mơ, hy vọng. Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, quận Bình Thạnh nỗ lực triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.





Bình Thạnh chào Xuân mới

 LÊ THANH SƠN

Xuân về Bình Thạnh đón chào

Quê hương Gia Định biết bao nghĩa tình

Phố phường khởi sắc văn minh

Đồng lòng chung sức chuyển mình đi lên

Phong trào sâu rộng vững bền

Công ty doanh nghiệp xây nền tương lai

Ban ngành đoàn thể đua tài

Cải cách hành chính luôn hài lòng dân

Quận nhà mừng Đảng, mừng xuân

Kỳ vọng năm mới muôn phần thăng hoa

Dịch Covid đẩy lùi xa

Năm“ K” đảm bảo, thêm quà an sinh

Chăm lo chu đáo nghĩa tình

Đảng viên, cán bộ hết mình vì dân

Phục vụ mọi mặt ân cần

Quận nhà phát triển mười lần hơn xưa

Dù cho sớm nắng chiều mưa

Kiên trung một dạ lòng người sắc son

Tình dân, ý Đảng vẹn tròn

Tô thêm trang sử dấu son rạng ngời

Tự hào Bình Thạnh, ta ơi!

Mừng xuân, mừng Đảng đổi đời đi lên.

Danh nhân cách mạng Việt Nam tuổi Dần

 THU HẰNG

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thời nào cũng vậy, nhiều nhân tài sinh năm Dần xuất hiện tham gia dựng nước và giữ nước. Ngày Xuân, xin được kể về các danh nhân cách mạng Việt Nam tuổi Dần đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

 

TUỔI GIÁP DẦN

LƯƠNG VĂN CAN (1854 - 1927)


Nhà cách mạng Việt Nam, quê ở làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm 1871, khi 17 tuổi, Lương Văn Can đỗ thi Hương, vào tới tam trường. Năm 1875, đỗ Cử nhân, nhưng do bố mất, ông không thi Hội nữa. Năm 25 tuổi (1879) ông mở trường dạy học tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Năm 1907, ông cùng bạn bè lập trường Đông Kinh nghĩa thục, khởi xướng cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống Pháp trong Nhân dân. Tháng 12/1907, Đông Kinh nghĩa thục bị giải tán, ông bị bắt giam, người Pháp không có chứng cứ kết tội nên phải thả. Năm 1913, ông bị kết án biệt xứ và đày đi Campuchia. Năm 1924, ông được tha về và mất tại Hà Nội năm 1927.

NGUYỄN CHÍ THANH (1914 - 1967)


Tên thật là Nguyễn Vịnh, quê thôn Niêm Phò, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên-Huế). Năm 1937, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, giữ các chức vụ Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy (Thừa Thiên), Bí thư Khu ủy (khu IV). Năm 1945, được cử đi dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, Tuyên Quang và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ. Trong kháng chiến chống Pháp, làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), được cử vào Bộ Chính trị, ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Năm 1959, được phong hàm Đại tướng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Mất ngày 06/7/1967 tại Hà Nội.

TUỔI BÍNH DẦN

TRẦN CAO VÂN (1866 - 1916)


Trần Cao Vân còn có tên là Trần Công Thọ, sinh năm 1866, quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, Quảng Nam. Khi đi học lấy tên là Trần Cao Đệ, khi tham gia hoạt động cứu nước lấy tên là Trần Cao Vân. Năm 1887, sau thất bại của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Trần Cao Vân tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (huyện Đại Lộc). Năm 1896, Trần Cao Vân làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ (Phú Yên). Nhờ sự khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình của Võ Trứ, nên Trần Cao Vân sau 11 tháng bị giam ở nhà ngục Phú Yên được trả tự do. Năm 1908, khi phong trào Kháng thuế, cự sưu nổ ra ở Quảng Nam, ông bị bắt và bị kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo, đến năm 1914 được ân xá. Năm 1915, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội và cùng với Thái Phiên trở thành 2 nhân vật chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa năm 1916. Kế hoạch mưu khởi bị bại lộ, Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng vua Duy Tân bị Pháp bắt trên đường đào thoát ở ngoại ô Huế. Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém tại pháp trường An Hòa. Thi hài của hai ông được chôn chung một huyệt tại một ngọn đồi ở ngoại ô Cố đô Huế giữa năm 1916.

TUỔI MẬU DẦN

NGÔ ĐỨC KẾ (1878 - 1929)



Ông là chí sĩ yêu nước, nhà báo, hiệu Tập Xuyên, quê Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một nhà nho yêu nước, đỗ Tiến sĩ năm 1901, nhưng không ra làm quan.

Theo ý của Phan Bội Châu, ông đã cùng Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết với các đồng chí trong phong trào Đông Du. Năm 1908, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo 13 năm. Năm 1922, ông ra Hà Nội làm chủ bút tờ Hữu Thanh đối chọi với tờ tạp chí Nam Phong. Báo bị đóng cửa, ông mở Giác Quần Thư xã (năm 1926), xuất bản một số sách tiến bộ: Phan Tây Hồ di thảo (năm 1927); Đông Tây vĩ nhân. Ông là người có nhiều uy tín với thanh niên trí thức những năm 20 của thế kỷ XX. Ông qua đời vào năm 1929, hưởng thọ 51 tuổi.

TUỔI CANH DẦN

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 - 1969)


        Là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và là danh nhân văn hóa thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) quê làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Năm 1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của Nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Ngày 03/02/1930, Người chủ tọa hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Người đã trở thành chân lý của thời đại. Người mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội, thọ 79 tuổi.

TUỔI NHÂM DẦN

PHAN ĐĂNG LƯU (1902 - 1941)

Là một chiến sĩ cộng sản tiền bối có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

    Quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng) từng giữ chức Ủy viên Tổng bộ. Năm 1928, Phan Đăng Lưu tham gia xuất bản “Quan hải tùng thư” tại Huế; giữ chức Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Đảng Tân Việt. Ngày 15/12/1928, sang Trung Quốc để liên lạc với Tổng bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Được bầu vào Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938) và Ủy viên Thường vụ Trung ương (1940), được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam kỳ. Bị thực dân Pháp bắt ngày 22/11/1940 tại Sài Gòn, kết án và tử hình ở Hóc Môn ngày 28/8/1941.

HÀ HUY TẬP (1902 - 1941)


Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một người lãnh đạo tận tụy, năng động, một cây bút lý luận xuất sắc của Đảng những năm 30 của thế kỷ XX.

Quê ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, tốt nghiệp Quốc học Huế, rồi dạy học ở Vinh, sau vào Sài Gòn, tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt). Cuối 1928, cùng Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu bàn việc hợp nhất Tân Việt với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chuyển sang hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, sang Liên Xô học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này ông đã soạn thảo“Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương” “Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương”. Tháng 3/1935, trực tiếp chủ trì Đại hội Đảng lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc) từ 27 đến 31/3/1935. Tháng 7/1936, được cử giữ chức Tổng Bí thư. Sau đó, Hà Huy Tập về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Ngày 01/5/1938, bị thực dân Pháp bắt, kết án tù, trục xuất về nguyên quán. Ngày 30/3/1940, lại bị bắt vì buộc tội là người chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và kết án tử hình (ngày 28/8/1941). Sau 68 năm kể từ ngày hy sinh tại Hóc Môn (Gia Định) đã tìm được phần mộ và di dời hài cốt đồng chí Hà Huy Tập về an táng tại quê hương.

Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt - Phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể

  MÂY XANH

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại quận Bình Thạnh ngày càng đi vào nền nếp. Đặc biệt là đã phát huy tốt vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ý thức gìn giữ những giá trị mang nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên. Lăng Lê Văn Duyệt tại quận Bình Thạnh, dân gian quen gọi “Lăng Ông Bà Chiểu”, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền quận luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.

Nằm trong khuôn viên rộng 18.500 m2, bên cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), lăng Tả quân Lê Văn Duyệt còn có tên gọi dân gian là lăng Ông Bà Chiểu, là nơi chôn cất Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn thành Gia Định xưa. Dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Đương thời, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng đã thực hiện nghi lễ Hạ nêu để cầu mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Nghi thức cúng tế Tả quân Lê Văn Duyệt trong lễ Khai hạ - Cầu an.
Nghi thức cúng tế Tả quân Lê Văn Duyệt trong lễ Khai hạ - Cầu an.

Hiện nay, hng năm, lễ Khai hạ - Cầu an diễn ra vào ngày mồng 7 Tết Âm lịch, tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt[1]. Dân gian quan niệm, mùng 7 tháng Giêng kết thúc Tết Nguyên đán (3 ngày Tết 7 ngày xuân) và là lúc bắt đầu Lễ khai hạ đầu năm là nghi thức báo hiệu đã kết thúc Tết Nguyên đán, cầu mong may mắn cho cả năm. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.


Nghi thức hạ nêu được tổ chức trong ngày lễ Khai hạ - Cầu an hằng năm tại Lăng Lê Văn Duyệt.
Nghi thức hạ nêu được tổ chức trong ngày lễ Khai hạ
 - Cầu an hằng năm tại Lăng Lê Văn Duyệt.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu... Lý do là khi sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu. Ông cho rằng tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Xây chầu hát bội được duy trì thường xuyên trong lễ hội Khai hạ - Cầu an.
Xây chầu hát bội được duy trì thường xuyên trong lễ hội Khai hạ - Cầu an.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an là nét văn hóa đặc thù riêng của vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, hằng năm thu hút rất đông lượng người dân địa phương và khách thập phương đến chiêm bái. Tham gia lễ hội, người dân TP.HCM thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng của Tả quân và cũng để cầu mong một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh và các đơn vị liên quan đang thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả trong cộng đồng.

Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt còn phục vụ công tác giáo dục truyền thống và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng.

Nghệ thuật chưng chế trái cây tại Lăng Lê Văn Duyệt.
 Nghệ thuật chưng chế trái cây tại Lăng Lê Văn Duyệt.

Xuân hạnh phúc, mừng người người sức khỏe dồi dào vui vị Tết
Tết an khang, chúc nhà nhà tinh thần vui vẻ hưởng hương xuân

Văn Thanh



[1] Theo đó, trước ngày 30 tháng Chạp, lễ Dựng nêu và lễ Thượng kỳ sẽ được tiến hành để bước sang đầu năm mới sẽ làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hằng ngày.

Bài viết nổi bật

Phấn đấu năm 2024 Bình Thạnh không còn hộ nghèo

 • NGUYỄN HIẾU Đồng hành cùng với Thành phố thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; nhiều...

Bài viết phổ biến