Hiển thị các bài đăng có nhãn Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2022

Di tích Lịch sử Văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt - Phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể

  MÂY XANH

Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại quận Bình Thạnh ngày càng đi vào nền nếp. Đặc biệt là đã phát huy tốt vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của cộng đồng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, ý thức gìn giữ những giá trị mang nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân cũng ngày một nâng lên. Lăng Lê Văn Duyệt tại quận Bình Thạnh, dân gian quen gọi “Lăng Ông Bà Chiểu”, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia. Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền quận luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.

Nằm trong khuôn viên rộng 18.500 m2, bên cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP HCM), lăng Tả quân Lê Văn Duyệt còn có tên gọi dân gian là lăng Ông Bà Chiểu, là nơi chôn cất Tả quân Lê Văn Duyệt, vị Tổng trấn thành Gia Định xưa. Dưới sự quản lý điều hành tài tình về kinh tế và quân sự của ông, người dân nơi đây được sống trong an bình, no ấm. Đương thời, Tả quân Lê Văn Duyệt cùng người dân trong vùng đã thực hiện nghi lễ Hạ nêu để cầu mưa thuận gió hòa. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn.

Nghi thức cúng tế Tả quân Lê Văn Duyệt trong lễ Khai hạ - Cầu an.
Nghi thức cúng tế Tả quân Lê Văn Duyệt trong lễ Khai hạ - Cầu an.

Hiện nay, hng năm, lễ Khai hạ - Cầu an diễn ra vào ngày mồng 7 Tết Âm lịch, tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt[1]. Dân gian quan niệm, mùng 7 tháng Giêng kết thúc Tết Nguyên đán (3 ngày Tết 7 ngày xuân) và là lúc bắt đầu Lễ khai hạ đầu năm là nghi thức báo hiệu đã kết thúc Tết Nguyên đán, cầu mong may mắn cho cả năm. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn.


Nghi thức hạ nêu được tổ chức trong ngày lễ Khai hạ - Cầu an hằng năm tại Lăng Lê Văn Duyệt.
Nghi thức hạ nêu được tổ chức trong ngày lễ Khai hạ
 - Cầu an hằng năm tại Lăng Lê Văn Duyệt.

Trong lễ Khai hạ - Cầu an thường kèm theo những chầu hát bội rất sống động, với các tuồng tích như: Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu... Lý do là khi sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu. Ông cho rằng tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân về ý thức đạo lý làm người, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Việt.

Xây chầu hát bội được duy trì thường xuyên trong lễ hội Khai hạ - Cầu an.
Xây chầu hát bội được duy trì thường xuyên trong lễ hội Khai hạ - Cầu an.

Lễ hội Khai hạ - Cầu an là nét văn hóa đặc thù riêng của vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, hằng năm thu hút rất đông lượng người dân địa phương và khách thập phương đến chiêm bái. Tham gia lễ hội, người dân TP.HCM thường xin ấn Tả quân về treo trong nhà như để nhắc nhở con cháu noi gương, học tập tinh thần trung quân ái quốc, phẩm chất chính trực, công bằng của Tả quân và cũng để cầu mong một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió.

Năm 2021, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh và các đơn vị liên quan đang thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả trong cộng đồng.

Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt còn phục vụ công tác giáo dục truyền thống và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch lợi thế của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và quận Bình Thạnh nói riêng.

Nghệ thuật chưng chế trái cây tại Lăng Lê Văn Duyệt.
 Nghệ thuật chưng chế trái cây tại Lăng Lê Văn Duyệt.

Xuân hạnh phúc, mừng người người sức khỏe dồi dào vui vị Tết
Tết an khang, chúc nhà nhà tinh thần vui vẻ hưởng hương xuân

Văn Thanh



[1] Theo đó, trước ngày 30 tháng Chạp, lễ Dựng nêu và lễ Thượng kỳ sẽ được tiến hành để bước sang đầu năm mới sẽ làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hằng ngày.

Bài viết nổi bật

Phấn đấu năm 2024 Bình Thạnh không còn hộ nghèo

 • NGUYỄN HIẾU Đồng hành cùng với Thành phố thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; nhiều...

Bài viết phổ biến