• THANH THƯ
Già hóa dân số là một xu hướng không thể đảo ngược trên toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng đang đối diện với thực trạng này. Dữ liệu ghi nhận năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), xếp thứ hai trong cả nước. Riêng tại quận Bình Thạnh hiện có gần 83.000 người cao tuổi, xếp thứ 2, sau Thành phố Thủ Đức. Trước thực trạng đó, các chính sách về dân số, y tế đều đang tập trung vào việc cân bằng tỷ suất sinh - tử, nâng cao chất lượng dân số, trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Xuyên suốt nhiều năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là hoạt động thường xuyên được thực hiện tại quận Bình Thạnh. Các hoạt động bao gồm khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí; khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí. Trong năm 2023, Trung tâm Y tế quận có gần 1.100 người cao tuổi được khám và lập hồ sơ sức khỏe. Bên cạnh đó còn có trên 100 trường hợp có chỉ định cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu...) khám phát hiện 25 trường hợp tăng huyết áp, 45 trường hợp đái tháo đường, theo dõi 12 trường hợp hen và 19 trường hợp ung thư. Hầu hết người cao tuổi đều được kiểm tra toàn diện về thể chất, tinh thần, vận động. Song song đó, ngành y tế quận còn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi neo đơn, hoàn cảnh khó khăn có bệnh không lây nhiễm, trong đó Trung tâm Y tế quận hỗ trợ y tế miễn phí cho 33 trường hợp, có 29 trường hợp đã được lập hồ sơ sức khỏe và tổ chức thăm khám, 17 trường hợp được khám và cấp phát thuốc tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và tại nhà. Đây là các hoạt động chăm sóc tích cực, chủ động; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của các cấp ủy đảng, chính quyền quận đối với người cao tuổi.
Các bác sĩ của Trung tâm Y tế quận khám và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi. |
Năm qua Trạm Y tế Phường 12 là đơn vị được lựa chọn để thực hiện thí điểm chăm sóc sức khỏe định kỳ cho 400 người cao tuổi trên địa bàn phường. Cụ thể, người cao tuổi được khám sức khỏe, sàng lọc các bệnh mạn tính không lây nhiễm, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, đánh giá các yếu tố nguy cơ sức khỏe và tư vấn, điều trị một số bệnh thông thường miễn phí. Thông qua các hoạt động truyền thông tích cực cùng sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể đơn vị đã thực hiện vượt 11% so với chỉ tiêu. Có 337 người đã được khám sức khỏe theo mô hình mới, trong đó 304 người được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh lý. Chủ yếu đối tượng đến khám nằm trong nhóm tuổi từ 60 - 79 tuổi (92,9%), số người từ 80 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp (7,1%). Người đến khám đã được tầm soát 5 yếu tố nguy cơ bệnh mạn tính bao gồm béo phì, hút thuốc lá, rượu bia, ăn mặn, ít vận động thể lực. Dấu hiệu suy yếu được nhận định ở 57 trường hợp; nguy cơ té ngã ở 137 trường hợp. Bên cạnh đó, phát hiện 29 trường hợp tăng huyết áp, 9 trường hợp đái tháo đường (theo dõi 16 trường hợp), theo dõi 2 trường hợp hen phế quản. Trầm cảm mức độ vừa và nặng ghi nhận ở 9 trường hợp.
Chăm sóc sức khỏe định kỳ là chương trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn với mục tiêu đảm bảo cho người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế. Qua đó, kịp thời phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm; lập hồ sơ sức khỏe điện tử chủ động để có các can thiệp sớm nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người.
Bác sĩ thực hiện siêu âm để chẩn đoán bệnh cho người cao tuổi. |