Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Những năm Mão trong sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ

  NGUYỄN THU



Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ kính yêu, có tất cả bảy năm Mão: Tân Mão (1891), Quý Mão (1903), Ất Mão (1915), Đinh Mão (1927), Kỷ Mão (1939), Tân Mão (1951) và Quý Mão (1963). Mỗi năm Mão trôi qua Người đều để lại dấu ấn khó quên với lịch sử dân tộc. 

Năm Tân Mão (1891): 

Bác Hồ mới 1 tuổi, mang tên là Nguyễn Sinh Cung. 

Năm Quý Mão (1903): 

Nguyễn Sinh Cung theo cha lên Thanh Chương (Nghệ An) học tập, từ hai năm trước được đổi tên là Nguyễn Tất Thành. 

Năm Ất Mão (1915): 

Nguyễn Tất Thành vừa lao động cực nhọc ở nước Anh vừa mải miết học ngôn ngữ của họ để tiếp cận kho tàng kiến thức nhân loại, tìm ra con đường độc lập, tự do cho dân tộc. 

Năm Đinh Mão (1927):

 Nguyễn Tất Thành mang tên mới là Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một chiến sĩ quốc tế đấu tranh kiên cường để giải phóng những người cần lao. Từ khẩu hiệu nổi tiếng của C.Mác, Ph.Ăngghen: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” và của VI.Lênin “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!” Nguyễn Ái Quốc nêu khẩu hiệu “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Ba khẩu hiệu từ trí tuệ của các vĩ nhân nối tiếp nhau, như tiếng kèn thức tỉnh những người cần lao trên trái đất vùng lên đấu tranh cho tự do, cơm áo, hòa bình. Những khóa huấn luyện chính trị của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc giảng dạy nhằm đào tạo lớp thanh niên yêu nước đầu thế kỷ XX đi đúng con đường cách mạng chân chính. Những bài giảng đó sau này được Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tại Quảng Châu, lấy tên là Đường kách mệnh. 

Mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc giải thích chính xác, dễ hiểu khái niệm cách mạng. Người viết: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Định nghĩa này tới nay vẫn còn nguyên giá trị: Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, đổi mới, nhưng là phá cái xấu đổi ra cái tốt, chứ không phải phá cái cũ bất kỳ và xây cái mới bất kỳ, biện chứng của sự phát triển là phủ định và kế thừa. Người còn viết: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước ra làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?” 

Người chỉ rõ: Cách mệnh là công việc quan trọng, to lớn, vô cùng khó khăn, mọi người phải đồng tâm hiệp lực, kiên trì mới làm được. “Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng”. Tư tưởng cùng hiểu thấu (dân biết, dân bàn) đồng thuận xã hội (đồng tâm), cùng gánh vác (dân làm, không ỷ lại, trông chờ) là bài học mở lòng của hành động cách mạng mà Nguyễn Ái Quốc đã dạy. Trong năm Đinh Mão này, Người dành nhiều công sức cho việc huấn luyện, đào tạo cán bộ. 

Năm Kỷ Mão (1939): 

Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong Bát lộ quân (Trung Quốc) với bí danh là Hồ Quang. Trong năm này Người có một hoạt động quan trọng, đó là thông qua một người bạn và chủ nhiệm báo Notre Voix, Người gửi cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương địa chỉ của mình và 8 điểm định hướng cho đường lối, chủ trương cách mạng Việt Nam. Trong đó Người lưu ý: Phải tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi; phải có thái độ khéo léo, mềm dẻo, lôi kéo tư sản dân tộc về phía Mặt trận; kiên quyết chống tư tưởng bè phái, phải tổ chức học tập có hệ thống Chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nhấn mạnh: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”. Đây là một quan điểm cơ bản, trở thành cơ sở lý luận cho việc Đảng xác định thái độ của mình đối với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội khác; không chỉ đúng trong giai đoạn Đảng lãnh đạo giành chính quyền mà còn rất đúng ngay khi đã có chính quyền. Đây là một vấn đề mà hầu hết các Đảng Cộng sản khi trở thành đảng cầm quyền đều mắc sai lầm, thiếu tôn trọng vai trò của Mặt trận, nhầm lẫn, coi việc Đảng lãnh đạo Mặt trận như là vị thế đứng trên, coi Mặt trận như là cấp dưới của Đảng. Những chỉ dẫn của Người đã có tác dụng rất lớn, giúp cho Trung ương Đảng đề ra chủ trương chuyển hướng sách lược đấu tranh trong thời kỳ này. 

Năm Tân Mão (1951): 

Năm này cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trên đà thắng lợi. Tình hình chính trị, xã hội và ngoại giao có nhiều thuận lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta quyết định triệu tập Đại hội lần thứ II của Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam. Đây là kỳ đại hội mang đậm dấu ấn thiên tài Hồ Chí Minh. Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản mỗi nước là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn của Nhân dân lao động. Do vậy, đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam là một quyết định chính trị sáng suốt, làm cho Đảng ta có sức hấp dẫn, lôi kéo các giai tầng khác trong xã hội đoàn kết xung quanh Đảng làm cách mạng. Báo cáo chính trị do Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội II của Đảng (năm 1951) nói rõ: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và của cả dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh về Đảng vượt ra khỏi quan điểm Mác-xít truyền thống. Đây là tư tưởng nhất quán có ý nghĩa lâu dài, là sự phát triển sáng tạo lý luận về Đảng mang tầm cỡ như là học thuyết về Đảng kiểu mới của Hồ Chí Minh.

Năm Quý Mão (1963): 

Năm này Bác Hồ của chúng ta đã bước vào tuổi 73. Người có một buổi đi chợ tết đáng để chúng ta cùng suy ngẫm. Sáng 24/01 (tức 29 Tết, tháng thiếu), như một ông già nhà quê bình thường, trong bộ quần áo gụ đã bạc màu, khoác chiếc áo mưa vải bạt, cổ quàng khăn, mắt đeo kính trắng, chân đi dép cao su cùng với hai cán bộ cảnh vệ đi thăm chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Bác Hồ đi vào cổng sau chợ, quan sát cảnh mua bán tấp nập và dừng chân xem ông đồ viết câu đối tết. Đến thăm chợ hoa, Người định mua một bó huệ, nhưng đồng chí cảnh vệ sợ lộ bí mật nên trả giá quá rẻ để “rút lui”, Bác liền nói vui: “Trả giá như chú, cả ngày đi chợ cũng chẳng mua được gì”. 

Giao thừa năm này, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Người đọc Thư mừng năm mới gửi đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Trong thư có đoạn: 

“Nước Việt Nam là một/ Dân tộc Việt Nam là một/ Dù cho sông cạn đá mòn/ Nhân dân Nam Bắc, là con một nhà! 

Chúng ta cùng nhau: Mừng năm mới, Cố gắng mới, Tiến bộ mới, 

Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi”. 

Cũng trong năm này, Người dành nhiều thời giờ lưu ý Bộ Chính trị về việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch: “Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo tập trung vào trọng điểm... Vấn đề đòi hỏi ở ta là phải tổ chức cho tốt, quản lý cho tốt... Làm ở đâu phải tốt ở đó để làm gương cho chỗ khác”. Người cũng đặc biệt lưu ý vấn đề phân bổ ngân sách cho giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục, nội dung giáo dục văn hóa và dạy nghề, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và nhắc nhở cán bộ phụ trách không được chủ quan. Người chỉ thị: “Vấn đề này lớn lắm, không được làm sơ sài”.

Có một skiện đặc biệt, tháng 5 năm này, Quốc hội quyết định tặng Bác Hồ Huân chương Sao Vàng. Biết tin này Người bày tỏ ý kiến của mình và xin phép chưa nhận huân chương ấy. Người giải thích, vì huân chương là để tặng thưởng người có công huân nhưng tự xét bản thân chưa đạt. Người đề nghị với Quốc hội: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”. Vĩ đại thay, suốt đời Bác Hồ kính yêu đã cống hiến, hy sinh tất cả cho dân, cho nước mà vẫn tự nhận chưa có công huân xứng đáng khi sự nghiệp lớn của Tổ quốc chưa hoàn thành! 

Cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng ngời cao đẹp của người Cộng sản vĩ đại, vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Với 79 mùa xuân, Người đã hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc để non sông ta mãi mãi có mùa xuân. 

Năm 2023, xuân Quý Mão này nhớ về những năm Mão đã qua cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ để chúng ta ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, tích cực góp phần xây dựng một nước Việt Nam văn minh, giàu mạnh như Người hằng mong muốn. 

(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)

 ———— 

(1) Những đoạn trong ngoặc kép của bài này nếu không ghi chú thích thì đều trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 2, từ trang 260 đến 317. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập 6, tr.139. (3) Sđd, tập 7, tr.175. (4) Sđd, tập 11, tr.10. (5, 6, 7) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB CTQG, H.1996, tập 8, tr.384, 192, 404-405. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã quan tâm

Bài viết nổi bật

Phấn đấu năm 2024 Bình Thạnh không còn hộ nghèo

 • NGUYỄN HIẾU Đồng hành cùng với Thành phố thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; nhiều...

Bài viết phổ biến