Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Doanh nghiệp quận đồng hành thực hiện an sinh xã hội

 • ANH HOÀNG

Chăm lo cho học sinh hiếu học, hoàn cảnh khó khăn.
Chăm lo cho học sinh hiếu học, hoàn cảnh khó khăn.

Thực hiện an sinh xã hội là một nội dung cơ bản trong trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn quận có nhiều doanh nghiệp luôn năng động trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tích cực phối hợp cùng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể thực hiện tốt an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân. 

Với đặc thù là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Doanh nghiệp quận (BTBA) là đầu mối, tập hợp các doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng các chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh, quan tâm đến người lao động và có trách nhiệm với xã hội. Đặc biệt là vận động khơi dậy ý thức đồng hành cùng chính quyền trong thực hiện các chương trình, chính sách về an sinh xã hội với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Để tổ chức được các hoạt động này thường xuyên và hiệu quả, lãnh đạo Hội đã có những cách làm hay, phương pháp hoạt động phù hợp, thu hút đông đảo thành viên tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa…

Hội Doanh nghiệp quận ủng hộ Quỹ Vì người nghèo quận
Hội Doanh nghiệp quận ủng hộ Quỹ Vì người nghèo quận

Từ 58 đơn vị thành viên ban đầu, giờ đây Hội có 300 doanh nghiệp thành viên gắn kết và hoạt động đều trong các lĩnh vực. Bộ máy tổ chức Hội được phân công theo từng ban chuyên trách gồm: Hỗ trợ hội viên, Công tác xã hội, Văn nghệ - Thể thao, Xây dựng cơ bản, Thương mại - Dịch vụ, Truyền thông - Sự kiện, Thi đua - Khen thưởng, Tài chính - Kế toán và Văn phòng. Với sự phân chia tổ chức hợp lý cùng với ý thức trách nhiệm cao, phối hợp đồng bộ của mỗi hội viên đã góp phần tạo sự thành công trong các hoạt động. Để đạt được những thành quả cao, không thể không kể đến sự tích cực của Ban chấp hành và hội viên. Nhờ đó đã xây dựng nên mái nhà chung BTBA thân thiết, là chỗ dựa về mặt tinh thần trong cộng đồng doanh nghiệp của quận Bình Thạnh. Ngoài việc quan tâm cho sự phát triển của tổ chức Hội, BTBA còn thường xuyên đồng hành với Ủy ban nhân dân quận và các đơn vị chức năng tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thuế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phát triển sản xuất và đặc biệt là chú trọng chăm lo an sinh xã hội. 

Trong các hoạt động của mình, BTBA luôn là đầu tàu trong tập hợp, phát huy sức mạnh tập thể, nổi bật là thường xuyên vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện. Trong đó chú trọng quan tâm hỗ trợ chăm lo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn và các vùng sâu, vùng xa.

Trao quà cho Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.
Trao quà cho Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.

Những năm qua BTBA luôn tích cực phối hợp cùng với các ban ngành đoàn thể trong quận chung tay chăm lo cho cộng đồng bằng các hình thức như: xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, hỗ trợ bếp ăn từ thiện, chăm lo Tết cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống dịch Covid-19... Ngoài ra, BTBA còn thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nông thôn mới: xây cầu, làm đường, nâng cấp hẻm ở địa phương kết nghĩa tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó, BTBA còn thúc đẩy tinh thần thiện nguyện của các hội viên như đóng góp vật chất, tinh thần, thời gian, công sức hướng đến sự cân bằng giữa việc thành đạt xã hội và trách nhiệm cộng đồng. Với mong muốn góp thêm “con chữ” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, BTBA cùng các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực ủng hộ quỹ Khuyến học của quận; tham gia tu sửa phòng ốc; tặng xe đạp, đồ dùng học tập, trao học bổng, trang bị máy tính bảng, điện thoại thông minh cho các em học sinh nghèo hiếu học. 

Trong 10 năm qua, BTBA đóng góp cho an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện tại quận trên 44,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, BTBA tài trợ trên 3,5 tỷ đồng cho các hoạt động này của quận. Ngoài ra, còn chăm lo những hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi vùng sâu, vùng xa, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, hỗ trợ bếp ăn cho cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Lộc Tấn, tỉnh Bình Phước; chốt dân quân biên giới xã Hòa Hiệp, tỉnh Tây Ninh... Song song đó, BTBA còn vận động hội viên là những doanh nghiệp: Công ty Vàng Mi Hồng, Công ty cổ phần Văn hóa Văn Lang, Công ty Vissan, Hợp tác xã ô tô vận tải số 4, Công ty cổ phần giao nhận vận tải Mỹ Á… đóng góp hàng chục tỷ đồng chung tay chăm lo những mảnh đời cơ nhỡ, hộ nghèo, học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, trẻ mồ côi… Đây chính là nguồn cảm hứng cho hàng trăm doanh nghiệp, hội viên khác cùng đồng hành trong các hoạt động xã hội từ thiện trên khắp các tỉnh, thành từ Nam Bộ đến miền Trung và Tây Nguyên...

Đấu giá thành công bình sứ thực hiện công tác an sinh xã hội.
Đấu giá thành công bình sứ thực hiện công tác an sinh xã hội. 

Ông Nguyễn Tu Mi, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận chia sẻ: “Các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện hướng tới cộng đồng là yếu tố quan trọng góp phần thắt chặt sợi dây đoàn kết, tình nghĩa, gắn bó giữa doanh nghiệp với người dân. Đồng thời đây cũng là nguồn động viên to lớn để doanh nghiệp quận nhà không chỉ tập trung cho sản xuất, kinh doanh mà còn dành tình cảm, tâm huyết với các phong trào tại địa phương”.

Thực tiễn và giải pháp thực hiện Chương trình chỉnh trang đô thị

 • ANH THƯ


Với vị trí là cửa ngõ Đông Bắc của Thành phố, quận Bình Thạnh thuận lợi về hạ tầng giao thông và là một phần trung tâm thành phố đảm nhiệm chức năng hành chính, văn hóa, lịch sử, du lịch và dịch vụ đa ngành. Vì thế đây cũng là nơi thu hút nhiều dự án đầu tư và cũng là nơi để người dân lựa chọn an cư, lạc nghiệp.

 Thực tế những năm qua, quận Bình Thạnh ngày càng phát triển nhanh về đô thị. Dấu ấn rõ nét nhất là đột phá mạnh mẽ trong việc quy hoạch, mạnh dạn điều chỉnh những dự án không khả thi, chậm triển khai, quy hoạch chỉnh trang những khu nhà ở hiện hữu, lụp xụp, thay vào đó là xây dựng những công trình hiện đại, cao tầng. Nhiều công trình chỉnh trang và xây mới làm cho diện mạo quận thêm văn minh hiện đại như khu vực phía Tây sông Sài Gòn (thuộc khu trung tâm hiện hữu 930ha) với dự án Saigon Pearl (giai đoạn 3), chỉnh trang đô thị đầu cầu Thủ Thiêm, Vinhomes Central Park Tân Cảng, dự án khu phức hợp cao ốc văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở Phường 25... Những công trình này tạo nên một đô thị ổn định, là minh chứng rõ nét nhất trong việc đưa quy hoạch vào thực tiễn cuộc sống bền vững trên cơ sở phát triển đảm bảo mối liên hệ với môi trường, cảnh quan đi đôi với xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật: giao thông đô thị, cấp nước, cấp điện, thoát nước, y tế, giáo dục... 

Nỗ lực đáng ghi nhận khác của quận trong những năm qua là cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm. Nhiều hệ thống giao thông nội bộ được đưa vào sử dụng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội quận nhà. Đơn cử như các dự án: đường nối từ ngã ba Nơ Trang Long - Nguyễn Xí vào đường Trục khu dân cư Bình Hòa, Phường 13 (đã thông xe đoạn từ Nguyễn Xí đến đường Phạm Văn Đồng); mở rộng đường Bùi Đình Túy đoạn từ hẻm 304 đường Bùi Đình Túy đến đường Phan Văn Trị; đường tạm nối thông tuyến D2 nối dài; lắp đặt cống hộp rạch nhánh Bùi Hữu Nghĩa Phường 1, rạch cầu Sơn Phường 25; sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; lắp đặt hệ thống thoát nước hẻm 685 Xô Viết Nghệ Tĩnh (hẻm 10); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bình Lợi; đang thi công các dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - Đoạn 2, 3 và 4. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác như: điện, viễn thông cũng từng bước được cải tạo theo hướng hiện đại với nhiều khu vực được ngầm hóa như đường Hoàng Hoa Thám (từ Phan Đăng Lưu đến cuối tuyến giáp ranh quận Gò Vấp), đường Nơ Trang Long (đoạn từ cầu Băng Ky đến đường Phạm Văn Đồng). Đối với cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trước năm 1975 có dự án đầu tư xây dựng cụm 8 chung cư lô số Cư xá Thanh Đa đã được động thổ khởi công tháng 4/2022. 

Tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình chỉnh trang đô thị, xây dựng quận Bình Thạnh là quận trung tâm thành phố, vấn đề đưa quy hoạch đô thị vào cuộc sống, trong đó việc chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại là một đòi hỏi cấp thiết. Với các mục tiêu đề ra, trong đó cần tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng, hệ thống giao thông và đưa lên ưu tiên hàng đầu, vì đây là một trong những động lực để phát triển đô thị. Bên cạnh đó, Quận từng bước đổi mới công tác quản lý quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, khuyến khích ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị bền vững. Trong đó, yêu cầu chống ngập nước, kẹt xe, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường… phải giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống quan điểm phát triển đô thị, tránh phá vỡ quy hoạch tổng thể. Đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tiếp tục được thực hiện nhằm giải quyết ùn tắc giao thông và các tuyến hẻm có tính chất huyết mạch được thực hiện mở rộng. Cụ thể là các dự án: nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm; nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh; mở rộng đường Ung Văn Khiêm - nút giao thông Đài liệt sĩ; đường nối đường Trục Phường 13 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Đặng Thùy Trâm); nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An (Ngã 5 Bình Hòa - cầu Chu Văn An); mở rộng đường Vạn Kiếp; đầu tư xây dựng thông tuyến hẻm 5 Nơ Trang Long qua hẻm 8 Hoàng Hoa Thám, Phường 7; cải tạo rạch nhánh kênh Thanh Đa, Phường 27... Thực hiện ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế trên các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, đường Lê Quang Định, Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh...

Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Để thực hiện tốt công tác chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, giữa phát triển các không gian đô thị với việc bảo tồn các di tích, mảng xanh đối với các dự án vừa nêu và nhiều dự án khác, cần có những giải pháp thật chặt chẽ, đồng bộ; quận sẽ tập trung huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia, đảm bảo phát triển đúng theo quy hoạch. Song song đó, tiếp tục rà soát lại các quỹ đất dôi dư, tập trung đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá nhà, đất để bổ sung nguồn vốn đầu tư các công trình công ích, đầu tư cơ sở hạ tầng. Trọng tâm là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, cần tập trung huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận cao trong dư luận và xã hội. Ngoài ra, sẽ chú trọng xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chỉnh trang phát triển đô thị. Một khi triển khai thực hiện có hiệu quả các công trình này sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng quận Bình Thạnh ngày càng phát triển thành khu đô thị bền vững, hiện đại, nghĩa tình. 

Một góc khu đô thị quận được chỉnh trang
Một góc khu đô thị quận được chỉnh trang

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2025 - Một số giải pháp và kết quả thực hiện

  • AN SANG

Trên cơ sở thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” gắn với Chỉ thị 19 của Thành ủy và Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn quận có nhiều chuyển biến tích cực. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh đề ra Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2025. Nội dung này được xác định là một trong các chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Bình Thạnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

 Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ của chương trình này. Bước sang năm 2022 với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, quận tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ do chương trình đề ra. Cũng trong năm 2022, Luật Bảo vệ Môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01; do đó quận kịp thời tổ chức tuyên truyền các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức quận, phường và trưởng khu phố. Song song đó tổ chức truyền thông rộng rãi trên các bảng thông tin, bảng điện tử tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường. Để đảm bảo phát huy hiệu lực của pháp luật tại cơ sở, các Tổ trưởng Tổ tự quản bảo vệ môi trường thường xuyên vận động, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, giảm sử dụng túi ni lông, hạn chế sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ thông tin trong ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” cũng tiếp tục mang lại hiệu quả, kịp thời ghi nhận, xử lý các phản ánh vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Lãnh đạo Thành phố và Quận trao tặng cây xanh cho Nhân dân cùng thực hiện bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Thành phố và Quận trao tặng cây xanh cho Nhân dân cùng thực hiện bảo vệ môi trường.

Một trong các giải pháp quan trọng là tiếp tục phát huy đối thoại với Nhân dân để mọi người cùng góp ý, hiến kế trong bảo vệ môi trường (thực hiện 99 buổi); tiếp nhận và xử lý phản ánh về vấn đề vệ sinh môi trường. Vận động thực hiện các công trình cải tạo, vẽ tranh cổ động, xanh hóa các bức tường (tại 32 bức tường). Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, trong năm đã có 84/89 khu phố được công nhận đạt “Khu phố sạch không xả rác ra đường và kênh rạch”; 10 công trình đạt “Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh”; 16/20 phường đạt danh hiệu “Phường sạch, xanh và thân thiện môi trường”. Hiện đang tiếp tục đề xuất công nhận thêm 2 khu phố, 1 công trình và 1 phường đạt danh hiệu “Phường sạch, xanh và thân thiện môi trường”.

Để giải quyết kịp thời các điểm rác, đảm bảo vệ sinh môi trường trong những ngày lễ lớn, các phường đều chủ động ra quân, phát động tổng vệ sinh, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, Tuần lễ Quốc gia nước sạch, vệ sinh môi trường và Tháng hành động vì môi trường; “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” với nhiều hình thức phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19. Tổ chức hội thi công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư, qua đó đề cử 2 công trình dự thi cấp thành phố (đạt giải nhì và ba). Luôn duy trì tốt việc tổ chức ra quân xóa các điểm ô nhiễm, điểm rác tối thiểu tháng/lần vào các “Ngày Chủ nhật xanh”. Ngoài ra, còn tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tác động về môi trường và các cơ sở có nguy cơ phát sinh vi phạm về tiếng ồn. Qua đó xử lý hàng chục trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt gần 150 triệu đồng; tiếp tục đảm bảo thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt và có 100% chất thải y tế trên địa bàn quận được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định. Mặt khác còn tổ chức Tuần thu gom rác thải nguy hại hộ gia đình tại 20 điểm, thu được hàng trăm kg bóng đèn huỳnh quang và các chất thải nguy hại khác (pin, bao bì hóa chất...). 

Đồng chí Hồ Phương, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận cùng các hội, đoàn thể  vẽ tranh tường tuyên truyền bảo vệ môi trường.
Đồng chí Hồ Phương, QUV, Phó Chủ tịch UBND quận cùng các hội, đoàn thể vẽ tranh tường
 tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Việc phát triển mảng xanh trong khu dân cư, xây dựng các tuyến đường văn minh, xanh - sạch - đẹp cũng là một trong những giải pháp luôn được quan tâm thực hiện. Hoạt động này gắn với chương trình chỉnh trang đô thị có nhiều cây xanh, mảng xanh được trồng mới, cải tạo, duy tu, chăm sóc như tại dự án xây dựng công viên Thanh Đa đoạn 1.4 (Phường 27), dọc 2 bên tuyến đường thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (Phường 19, 22), “Tăng cường mảnh xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên”. Thêm vào đó còn tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh để vận động người dân cùng tham gia trồng cây xanh. 

Đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy,  Phó Chủ tịch UBND quận cùng các đơn vị trồng cây  bảo vệ môi trường.
Đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận
cùng các đơn vị trồng cây bảo vệ môi trường.

Với những giải pháp, biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2025, tính riêng năm 2022 đã thực hiện được 100% chỉ tiêu đề ra (11/11). Qua đó mang lại nhiều kết quả khả quan, tạo được sự chuyển biến tích cực về tình hình vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi, cải thiện môi trường nước, lưu thông dòng chảy, tích cực góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư.  

Quận Bình Thạnh với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực trong công tác Đền ơn đáp nghĩa

  • NGUYỄN HIẾU

Lãnh đạo quận dâng hương tại Đài tưởng niệm quận tưởng niệm  các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 27/7.
Lãnh đạo quận dâng hương tại Đài tưởng niệm quận tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 27/7

Những năm qua, hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” luôn được Đảng bộ và chính quyền quận Bình Thạnh lãnh đạo thực hiện một cách trân trọng, có hiệu quả. Các hoạt động ý nghĩa này đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần động viên, chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sĩ. 

Nhiều hoạt động chăm lo từ quận đến cơ sở 

Thấm nhuần đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, lãnh đạo quận luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Qua đó, nhằm thể hiện sự tri ân của cả hệ thống chính trị và Nhân dân đối với các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc và gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ. 

 Trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” càng diễn ra sôi nổi, thiết thực, góp phần chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng. Dịp này, lãnh đạo Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quận tổ chức chăm lo gần 6.000 phần quà cho diện chính sách có công với số tiền trên 4 tỷ đồng; thăm và tặng 294 phần quà với số tiền gần 300 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ tiền khởi nghĩa, diện chính sách có công là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gia đình chính sách có công tiêu biểu, diện chính sách có công bị mất do Covid-19, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đang sinh sống tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè. 

Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy cùng các thành viên trong đoàn  thăm Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu.
Đồng chí Vũ Ngọc Tuất, Bí thư Quận ủy cùng các thành viên trong đoàn thăm
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu.

Riêng các Ủy ban nhân dân phường cũng tổ chức thăm và tặng 724 phần quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu, cán bộ Mặt trận diện chính sách có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó còn tổ chức trao 20 suất cơm, 40 sổ tiết kiệm cho thương binh và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn trao 1.170 phần quà, xe lăn, 17 sổ tiết kiệm cho hội viên Cựu chiến binh, thương binh có hoàn cảnh khó khăn, nhiễm chất độc hóa học và sửa chữa nhà xuống cấp cho diện chính sách có công với tổng kinh phí gần 580 triệu đồng.

Đồng thời, quận còn tổ chức đưa, đón 140 thân nhân liệt sĩ thăm mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố; tổ chức nghỉ dưỡng tập trung cho 50 người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng tại Đà Nẵng với số tiền gần 180 triệu đồng. Song song đó, Quận thực hiện tu bổ, sửa chữa Bia ghi công Mặt trận Đồng Ông Cộ; Mặt trận Cầu Thị Nghè; Bia tưởng niệm Phường 28 với tổng kinh phí gần 120 triệu đồng, góp phần tăng thêm phần trang nghiêm, phục vụ cho hoạt động dâng hương trong dịp kỷ niệm 27/7 và các ngày lễ, Tết. 

Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng nhiều hình thức 

Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng, quận luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành và Nhân dân đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức: tổ chức chương trình “Thắp nến tri ân” trong dịp kỷ niệm ngày 27/7; tham quan Nhà truyền thống quận, nơi lưu giữ những ký ức, hình ảnh chiến tích trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược; trình chiếu video clip về Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu; chương trình giao lưu “Tiếp lửa truyền thống” với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam viết tiếp câu chuyện hòa bình”, gặp gỡ, giao lưu cùng Cựu tù chính trị Bùi Thị Son, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cựu tù chính trị khác. Thêm vào đó, còn tổ chức 3 hành trình “Tuổi trẻ tiếp bước”, qua đó thăm hỏi, tặng quà cho các Má phong trào, Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách.

Đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận  thăm hỏi thương binh Trương Điều.
Đồng chí Thái Thị Hồng Nga, UVBTV Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận thăm hỏi thương binh Trương Điều.

Chính sự quan tâm kịp thời của Đảng, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn quận đã giúp đời sống của các gia đình chính sách, người có công luôn được nâng cao. Việc chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công đã tạo được sự an tâm, có thêm niềm tin và động lực để mọi người tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong thời bình, làm gương cho thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng chí Triệu Lệ Khánh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy  trao quà các gia đình chính sách có công.
Đồng chí Triệu Lệ Khánh, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy trao quà các gia đình chính sách có công.

Các hoạt động nêu trên thể hiện tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái”, góp phần xoa dịu nỗi đau của các thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng, tạo điều kiện cho mọi người khắc phục khó khăn, có cuộc sống ổn định. Thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quận tập trung tham mưu lãnh đạo quận tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, giáo dục để thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc, những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Qua đó, tiếp tục phát huy những truyền thống đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc

  • TẤN KHANH

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới gia đình và công tác gia đình. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ cũng nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội; nơi duy trì nòi giống; môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tập trung xây dựng con người Bình Thạnh phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ. Đặc biệt là chú trọng công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi, hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 

Chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc,  giai đoạn 2021 - 2025”.
Chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc,
 giai đoạn 2021 - 2025”.

Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình, Phòng Văn hóa và Thông tin luôn chủ động tham mưu triển khai thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ về công tác gia đình. Trọng tâm là tuyên truyền “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc; triển khai Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”. Song song đó, tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền triển khai quy trình phối hợp, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp bạo lực gia đình, đồng thời phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức sân khấu hóa về hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3). Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền luôn được đẩy mạnh thông qua các phương tiện truyền thông: chia sẻ các bài tuyên truyền về Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) trên trang Zalo Phòng Văn hóa và Thông tin, thực hiện nhiều bài viết trên bản tin Gia Định, Cổng thông tin điện tử quận về nội dung này. Ngoài ra còn biên soạn và phổ biến các sản phẩm Infographic về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phát hành tờ gấp, thực hiện pano, băng rôn về các nội dung đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình.

Tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu.
Tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu.

 Mặt khác, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức tập huấn kiến thức tiền hôn nhân cho các cặp đôi nam nữ trong độ tuổi chuẩn bị kết hôn. Trong đó đặc biệt quan tâm tập huấn chuyên đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ con” và tổ chức hội thi kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc cho đông đảo nam nữ thanh niên. Thêm vào đó, còn tổ chức hội thi viết bài cảm nhận “Gia đình - điểm tựa yêu thương” với hàng nghìn lượt tham gia. Trong dịp hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam 28/6, tổ chức tọa đàm chủ đề “Hạnh phúc đến từ đâu?” và tuyên dương 20 gia đình trẻ hạnh phúc. Ngoài ra, còn tổ chức Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo ực gia đình và Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 cho thành viên là nam giới thuộc Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc các phường. Tổ chức triển lãm ảnh online chủ đề “Gia đình trẻ hạnh phúc”, xây dựng clip tuyên truyền rộng rãi trên trang Fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Người Bình Thạnh. Thông qua các hoạt động tọa đàm, triển lãm ảnh, hội thi… đã lan tỏa, nhân rộng những thông điệp, câu chuyện ý nghĩa về tình yêu thương trong gia đình và cộng đồng xã hội. Nhờ đó, qua bình xét tỷ lệ gia đình văn hóa tại quận hằng năm luôn đạt trên 90%.

Có thể nói, xây dựng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc đã và đang trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Nhận thức của người dân, các gia đình về xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc ngày càng được nâng cao hơn. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên, đặc biệt là các thế hệ tiếp nối. Thời gian tới, ngành Văn hóa Thông tin quận tập trung tham mưu lãnh đạo quận tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở các mục tiêu do Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XII đã đề ra. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng gia đình văn hóa gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, góp phần xây dựng mỗi gia đình Việt Nam luôn hạnh phúc, bền vững.

Các thành viên gia đình hạnh phúc tham gia hội thi nấu ăn kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).
Các thành viên gia đình hạnh phúc tham gia hội thi nấu ăn kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Thư viện Bình Thạnh lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng dân cư

  • NGỌC HÀ

“Đọc sách giúp con người trưởng thành về mặt tâm hồn, trí tuệ, có tư duy logic. Đồng thời đọc sách cũng là một cách giải trí văn minh, lành mạnh giúp cá nhân cân bằng cuộc sống và cảm nhận được hạnh phúc. Đây cũng là hình thức học tiết kiệm và hiệu quả nhất bởi có thể học ở mọi lúc, mọi nơi và nhiều lĩnh vực”.

 Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, văn hóa đọc đang dần được thay thế bởi các phương tiện công nghệ, đặc biệt là các thiết bị điện tử thông minh. Việc chuyển từ đọc sách in sang đọc online là một xu thế tất yếu đang diễn ra từng giờ, từng ngày trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, một xã hội tiến bộ phải là một xã hội biết quý trọng sách, cần xây dựng một nền văn hóa đọc sâu rộng để khuyến khích toàn xã hội đọc sách. Sự cộng hưởng giữa trang thông tin điện tử và sách giấy là nhu cầu thiết yếu hiện nay. 

Trưng bày sách phục vụ độc giả giáo viên, học sinh  tại Trường THCS Lê Văn Tám.
Trưng bày sách phục vụ bạn đọc giáo viên, học sinh tại Trường THCS Lê Văn Tám.

Thực hiện “Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo, Thư viện quận tập trung huy động mọi nguồn lực để duy trì và phát triển văn hóa đọc bằng nhiều hình thức khuyến đọc và hướng đến từng đối tượng cụ thể. Trong những năm qua, khắc phục những khó khăn do tình hình dịch bệnh và để tiếp tục phục vụ tốt bạn đọc, Thư viện luôn chủ động đổi mới, phát triển các hoạt động để kích thích tình yêu đối với sách, đồng thời thông qua đó xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng. Chỉ riêng năm 2022, Thư viện phục vụ hơn 16.000 lượt bạn đọc, hơn 26.000 lượt tài liệu, luân chuyển gần 3.700 lượt sách, báo đến các tủ sách ở khu dân cư. Đồng thời Thư viện phối hợp với các ban ngành, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động về sách như: hội thi giới thiệu sách trực tuyến chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến” đạt 1 giải nhì, 2 giải khuyến khích cấp quốc gia; cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” với gần 7.900 bài dự thi, cao nhất so với các quận trong thành phố; giới thiệu, tuyên truyền sách qua các video được đăng tải trên trang mạng xã hội; chuyên đề hoạt động thư viện, trưng bày, triển lãm sách, ngày hội đọc sách tại trường; chuyên mục “Đọc sách em nghe”, “Audio vui cùng trang sách”. Song song đó, Thư viện còn phục vụ ngày hội “Thiếu nhi Bình Thạnh vui hè, an toàn, bổ ích” với chuyến xe Thư viện thông minh (tại Lăng Lê Văn Duyệt) và Ngày hội chăm lo trẻ ảnh hưởng do Covid-19 (tại khu du lịch Văn Thánh) thu hút gần 700 lượt người và phục vụ 1.193 lượt sách. Ngoài ra, Thư viện còn mang sách đến tận nhà phục vụ bạn đọc... Qua đó, tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận với nhiều sách hay, góp phần bồi dưỡng văn hóa đọc và kỹ năng đọc sách trong cộng đồng, góp phần lan tỏa tình yêu sách trong mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.

Thư viện quận phục vụ bạn đọc đến tìm hiểu bổ sung kiến thức.
Thư viện quận phục vụ bạn đọc đến tìm hiểu bổ sung kiến thức.

Để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện quận chủ động gắn hoạt động với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại địa bàn dân cư một cách hiệu quả. Tại những nơi này trưng bày, triển lãm trên 8.500 lượt đầu sách nói về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đồng thời tập trung xây dựng chuyên mục “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trực tuyến trên không gian mạng với nhiều mẩu chuyện về Bác Hồ, thu hút trên 5.800 lượt người xem trên các kênh Fanpage và Youtube của Thư viện. Ngoài ra, Thư viện còn luân chuyển sách đến các cơ quan đơn vị và cơ sở với 2.500 đầu sách nhằm lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đến người dân. Tại Nhà truyền thống, Thư viện quận, Nhà văn hóa Thanh Đa đều duy trì thường xuyên hoạt động trưng bày, triển lãm sách giúp Nhân dân đến tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời qua đó cũng nhằm khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam...

Thêm vào đó, từ sự phát triển của công nghệ số gắn liền với truyền thông số, Thư viện liên tục thay đổi cách thức phục vụ để sách được tiếp cận với bạn đọc theo từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có việc tích hợp các bài viết của Bản tin Gia Định đăng tải tại địa chỉ: https://bantingiadinhbinhthanh. blogspot.com/ với trên 1.000 bài viết, đã trở thành kênh thông tin toàn diện về các vấn đề, sự kiện, chính trị, xã hội của quận. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và tạo điều kiện cho học sinh Mầm non làm quen với hoạt động thư viện, đã thực hiện mô hình Gieo mầm “Văn hóa đọc sách cho trẻ Mầm non” thông qua hình thức Liên hoan kể chuyện sách cho trẻ em với chủ đề “Những chuyến du hành”. Mô hình này được tổ chức tại các trường nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022. Trong đó đã đa dạng hóa các hình thức phục vụ như: Đọc sách, nghệ thuật rối, kể chuyện âm nhạc, kịch thiếu nhi, phim thiếu nhi, biểu diễn múa, ảo thuật, kể chuyện yoga, kể chuyện ứng tác…, thu hút đông đảo học sinh và các thầy cô giáo tham gia. Qua đó, trẻ mầm non được giao lưu, thể hiện năng khiếu bản thân, hình thành và phát triển khả năng giao tiếp, góp phần phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Các mô hình có tính sáng tạo, phù hợp trong phát triển văn hóa đọc do Thư viện quận triển khai thực hiện đã từng bước mang lại hiệu quả cao, ngày càng lan tỏa rộng rãi đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Thời gian tới Thư viện sẽ tập trung xây dựng nhiều mô hình không gian “Văn hóa đọc” vì cộng đồng sâu rộng hơn nữa nhằm đáp ứng kịp với xu thế phát triển của xã hội, hướng đến mục tiêu chung là xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình.

Lãnh đạo quận trao giải các thí sinh tham gia hội thi giới thiệu sách trực tuyến.
Lãnh đạo quận trao giải các thí sinh tham gia hội thi giới thiệu sách trực tuyến.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số Nhân tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường

 • THU THỦY

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí thức đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống; trong đó giáo dục là chìa khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thúc đẩy ngành giáo dục đổi mới cách thức quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời là một yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục. 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận tập trung chỉ đạo các trường chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong quản lý giáo dục. Hiện có 100% cơ sở giáo dục đào tạo kết nối Internet tốc độ cao, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến. Song song đó, tổ chức tập huấn cho giáo viên nắm các ứng dụng công nghệ (sử dụng những tính năng tạo video clip, lồng ghép các hoạt động…). Do công nghệ luôn nâng cấp nên giáo viên phải thường xuyên nâng cao kỹ năng và cập nhật liên tục; đồng thời ngành giáo dục quận còn thành lập đội ngũ nhân viên hỗ trợ CNTT cho những trường hợp cần thiết. Thêm vào đó, xây dựng hệ thống kho học liệu mở, liên kết giữa các trường. Nơi đây chia sẻ dùng chung toàn ngành với gần 1.000 bài giảng E-learning. Mặt khác, cán bộ quản lý trường phát động các thầy cô giáo tham gia xây dựng kho học liệu số để chia sẻ dùng chung và tổ chức chuyên đề soạn giảng giáo án điện tử E-learning cấp trường nhằm hướng dẫn, nâng cao trình độ cho đội ngũ và chuyển đổi bổ sung hình thức kiểm tra trực tuyến được xây dựng kết hợp với kiểm tra trực tiếp tại lớp. Các đề kiểm tra trực tuyến được soạn theo hướng mở vận dụng với thời gian làm bài phù hợp, đảm bảo công bằng, khách quan.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận giao ban với Ban Giám hiệu các trường  theo hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận giao ban với Ban Giám hiệu các trường theo hình thức
vừa trực tiếp và trực tuyến.

Đối với, hoạt động dạy trực tuyến được duy trì, kết hợp với dạy trực tiếp bằng việc duy trì soạn bài giảng, giáo án điện tử E-learning mỗi chủ đề bài học cho từng bộ môn và được đăng tải trên trang LMS.vnedu.vn để học sinh có thể học tại nhà. Các em chủ động tìm hiểu trước bài giảng trên trang LMS để có thể tự nâng cao kiến thức, kỹ năng. Nhờ đó các trường hợp nghỉ học do bệnh đột xuất cũng có thể theo kịp bài giảng. Riêng giáo viên Tin học trực tiếp hướng dẫn các tổ chuyên môn, bồi dưỡng các kỹ năng, hướng dẫn các thầy cô trong kiểm tra đánh giá quản lý học sinh bằng hình thức trực tuyến và các phần mềm quản trị máy tính với các công cụ Google form, Quiz trong iSpring Suite 10.

 Nhiều trường học trên địa bàn quận đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy học với nhiều giải pháp hiệu quả như: 

 - Trường Mầm non 25B tận dụng những tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học qua việc đầu tư trang thiết bị cho 1 lớp học thông minh (phòng học đa năng) với màn hình tương tác 65inch, 10 Ipad, 10 máy vi tính bàn, 4 bộ bàn ghế. Các trẻ vừa học, vừa chơi và thực hành trên máy Ipad. Từ khi nhà trường ứng dụng mô hình này trẻ tích cực tham gia, hợp tác và tương tác nhiều hơn với giáo viên. Về phía giáo viên tăng thêm tự tin, sáng tạo, học hỏi nâng cao tay nghề.

Các bé Trường Mầm non 25B thực hành trên máy Ipad.
Các bé Trường Mầm non 25B thực hành trên máy Ipad.

- Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để từng bước xây dựng thư viện điện tử phục vụ học sinh. Thư viện thông qua máy tính kết nối vào thiết bị điện tử hoặc truy cập từ xa. Kho sách giấy và kho học liệu điện tử phục vụ việc học tập nghiên cứu của học sinh và giáo viên. Học sinh được tìm hiểu kiến thức thông qua các học liệu điện tử, được hướng dẫn để tìm các thông tin hữu ích trên trang mạng và các thiết bị công nghệ hiện đại, tạo ra sự hứng thú trong học tập.

- Đối với Trường THCS Hà Huy Tập, nhà trường thực hiện điểm danh học sinh trực tuyến, báo cáo tình hình học sinh đi học, điểm danh học sinh qua hệ thống camera nhận diện khuôn mặt học sinh được lắp đặt ở cổng trường. Học sinh vắng học sẽ được gửi tin nhắn xác nhận trực tiếp đến số điện thoại có sử dụng Zalo do phụ huynh đăng ký. Bên cạnh đó, mỗi học sinh có một mã quản lý bằng dấu vân tay của mình qua máy quét đặt tại đầu và cuối hành lang. Trong giờ ra chơi, nếu học sinh xảy ra xô xát, gây mất trật tự, các bạn xung quanh chỉ cần nhấn dấu vân tay vào máy quét gần nhất, tín hiệu sẽ được báo ngay đến Ban giám thị. Với ứng dụng này đã ngăn chặn sớm các hành vi bạo lực học đường, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc…

Nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương chính sách và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giáo viên, người học... Thời gian tới, ngành giáo dục quận tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường Internet, đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện...), đổi mới kiểm tra - đánh giá. Phấn đấu đạt 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia. Qua đó, ngành giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của quận Bình Thạnh và Thành phố; làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững.

Chuyên đề "Giải pháp thực hiện giáo dục thông minh trong nhà trường".
Chuyên đề "Giải pháp thực hiện giáo dục thông minh trong nhà trường". 

Bài viết nổi bật

Phấn đấu năm 2024 Bình Thạnh không còn hộ nghèo

 • NGUYỄN HIẾU Đồng hành cùng với Thành phố thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025; nhiều...

Bài viết phổ biến